MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VH

Chăm sóc sức khỏe công nhân tại các KCN - KCX: Góp phần tăng năng suất lao động

VŨ HẢI LDO | 17/08/2018 08:42
Ngày 16.8, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng chủ trì hội thảo tham vấn “Đề xuất giải pháp cải thiện chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho công nhân lao động tại các KCN - KCX” do Tổng LĐLĐVN và Bộ Y tế phối hợp tổ chức.

Hiện nay, tại các KCN - KCX, một bộ phận không nhỏ lao động trẻ di chuyển đến sinh sống và làm việc, do đó, nhu cầu thông tin và chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) của họ là rất lớn. Trong khi đó, khi NLĐ được chăm sóc sức khoẻ tốt sẽ góp phần tăng năng suất lao động cho DN.

Lao động di cư e ngại khi nói tới sức khỏe sinh sản

Hiện, trên cả nước có 332 KCN - KCX với trên 2,7 triệu công nhân làm việc, trong đó, tỉ lệ nữ công nhân rất cao, từ 60 - 70%, một số ngành nghề như chế biến thủy sản, may mặc, da giày, tỉ lệ nữ công nhân lên đến trên 80%. Hầu hết CNLĐ tại các KCN - KCX là những lao động dưới 35 tuổi; 70% trong số công nhân di cư từ các vùng nông thôn tới để tìm kiếm việc làm. Do đó, họ không có điều kiện sinh hoạt ổn định, thường phải ở các khu nhà trọ chật hẹp, không hợp vệ sinh, không nơi sinh hoạt văn hoá… xung quanh KCN - KCX.

Trong khi thời gian và cường độ lao động căng thẳng, theo ca kíp, khiến họ khó tiếp cận được với các dịch vụ CSSK nói chung và CSSKSS nói riêng tại các cơ sở y tế địa phương. Mặt khác, kinh tế eo hẹp, thiếu hiểu biết về chính sách BHYT... cũng là những rào cản khiến cho CNLĐ di cư, đặc biệt là nữ giới, không tiếp cận được tới các dịch vụ CSSKSS. Trong khi lại e ngại khi đề cập đến chủ đề tình dục, không dám đặt những câu hỏi thắc mắc, dẫn tới kiến thức về CSSK của CNLĐ càng hạn chế.

Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng, đề án “Truyền thông, tư vấn và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho CNLĐ tại các KCN - KCX giai đoạn 2019-2025” hướng tới một cách tiếp cận riêng biệt, phù hợp với điều kiện sống và làm việc của nhóm đối tượng đặc thù là CNLĐ. Đồng thời, giúp họ nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi và tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ CSSKSS có chất lượng tại chỗ.

Chăm sóc sức khoẻ CNLĐ, doanh nghiệp được lợi

Theo ông Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) - qua việc truyền thông, tư vấn trực tiếp những vấn đề về CSSKSS của CNLĐ của một số tổ chức quốc tế tại VN cho thấy, nhận thức, thái độ và hành vi về CSSKSS của CNLĐ được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ CNLĐ, đặc biệt là công nhân nữ sử dụng các dịch vụ CSSKSS có chất lượng đã tăng lên. Nhiều DN đã có nhận thức rõ và có hành động thiết thực để thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc chăm lo sức khỏe nói chung và SKSS cho CNLĐ nói riêng. Trình bày tại hội thảo, ông Đinh Anh Tuấn cho biết, tại nhà máy Pou Chen, số ngày nghỉ ốm của công nhân đã giảm từ 100.000 ngày trong năm 2013 xuống còn khoảng 70.000 ngày trong năm 2015. Qua đó cho thấy, việc CSSKSS cho CNLĐ, DN cũng được hưởng lợi từ việc này.

Ngoài ra, việc nâng cao sức khoẻ giúp giảm tình trạng mắc bệnh của CNLĐ tại các KCN - KCX, thông qua việc thực hiện các mô hình truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS còn góp phần tăng năng suất lao động, bởi ngoài yếu tố máy móc, tay nghề thì sức khoẻ của CNLĐ rất quan trọng. Mặt khác, CSSKSS cho CNLĐ cũng giúp họ sinh con cái khoẻ mạnh, đây cũng chính là đầu tư cho thế hệ tương lai, nguồn lực cho đất nước…

Do đó, cần thiết nâng cao nhận thức, tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức CĐ và trách nhiệm xã hội của DN trong việc ban hành và thực hiện các chính sách về CSSK nói chung và CSSKSS nói riêng cho CNLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn