MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tại Cty Yestech Vina nhận quà của LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua. Ảnh: PV

Chấn chỉnh tình trạng cơ quan chức năng không hay, không biết

QUẾ CHI LDO | 24/06/2019 14:57
Trong thời gian qua, doanh nghiệp (DN) chấm dứt hoạt động và chủ bỏ trốn khá nhiều, nhưng có một thực tế là các cơ quan chức năng “không hay, không biết” cho đến khi sự đã rồi. Vì vậy, một yêu cầu được đặt ra là phải nâng cao công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư của các DN sau khi được cấp phép đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư.

Tổ chức CĐ chia sẻ, hỗ trợ công nhân khi chủ DN bỏ trốn

Thời gian qua, tại tỉnh Đồng Nai, các cấp các ngành đã có nhiều nỗ lực, tìm giải giải quyết kịp thời quyền lợi hợp pháp chính đáng khi các DN bị phá sản và chủ bỏ trốn. Đối với vụ việc Giám đốc Cty TNHH KL Texwell Vina bỏ trốn để lại số tiền nợ BHXH lên đến gần 21 tỉ đồng, LĐLĐ tỉnh đã tạm ứng tiền ngân sách Công đoàn (CĐ) đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động (NLĐ) với tổng số tiền số tiền 1.337.000đồng.

Bên cạnh đó, khi các vụ việc chủ DN bỏ trốn xảy ra, LĐLĐ tỉnh cùng các ngành chức năng của tỉnh, địa phương như UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nhanh chóng hỗ trợ về mặt vật chất như tạm ứng lương, thưởng. Ngoài sự hỗ trợ về vật chất, các chế độ chính sách khác như BHXH, BHYT, BHTN,... cũng được các cơ quan chuyên môn quan tâm hỗ trợ giải quyết cho NLĐ. Đã có 1.916 CNLĐ được các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ tiền tạm ứng lương tháng 1.2018 và tiền tết, trong đó, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 500.000đồng/công nhân (CN) với tổng số tiền là 958.000.000đồng…

LĐLĐ tỉnh, Sở LĐTBXH tỉnh cũng nhanh chóng liên hệ với các DN cùng ngành nghề sản xuất đang cần lao động để giới thiệu công việc mới cho những lao động tại các DN có chủ bỏ trốn, giúp NLĐ sớm ổn định việc làm và cuộc sống.

Tại Bắc Ninh, nhân dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, để động viên NLĐ tại Cty Cty Yestech Vina - DN có chủ bỏ trốn, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh quyết định tặng 275 suất quà cho CNLĐ đã mất việc làm và nợ lương mỗi suất quà trị giá 500.000đồng. Theo bà Nguyễn Thị Minh Ngọc - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, số tiền hỗ trợ trên được trích từ tiền ngân sách CĐ dành cho những CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

“Đây là một việc làm của tổ chức CĐ thể hiện sự quan tâm đến những đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn, giúp những NLĐ khi chủ DN “bỏ trốn” yên tâm, ổn định về tư tưởng” - bà Nguyễn Thị Minh Ngọc nói.

Đến thời điểm này, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với TAND tỉnh, cơ quan liên quan hoàn tất thủ tục theo quy định của Luật phá sản đối với Cty THNN Yestech để đảm bảo quyền lợi cho 275 NLĐ Cty… Hiện, 3 Cty là đối tác của Cty TNHH Yestech Vina đã chuyển vào số tài khoản của CĐCS Cty số tiền hơn 3,7 tỉ đồng. LĐLĐ tỉnh đang bám sát bên TAND để chuyển số tiền này sang tài khoản trung gian của TAND để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cần nâng cao công tác giám sát hoạt động đầu tư của các DN

Khi chủ DN đã bỏ trốn, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng như tổ chức CĐ chủ yếu là khắc phục hậu quả. Trong nhiều trường hợp, những quyền lợi của CN như tiền lương, các chế độ phụ cấp, tiền BHXH,… không giải quyết được; hoặc nếu có thì cũng phải mất rất nhiều thời gian. Vấn đề làm sao là phải phòng ngừa, hạn chế tình trạng này. Tuy vậy, việc giám sát các DN khi bắt đầu hoạt động còn rất nhiều hạn chế.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 62 tỉnh, thành phố ký quy chế phối hợp quản lý DN sau khi đăng ký thành lập, nhưng chủ yếu mang tính hình thức, chưa thực chất. Cơ quan thanh tra tỉnh là đơn vị lên kế hoạch thanh kiểm tra, nhưng việc triển khai còn hạn chế vì tinh thần, cách thức phối hợp chưa khoa học, hệ thống. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thêm, bên cạnh đó, ý thức tuân thủ của DN tại Việt Nam còn kém. Tỉ lệ DN bỏ trốn, mất tích chiếm 50% trong DN ngừng hoạt động tại Việt Nam.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế kiểm tra, giám sát này phải được thực hiện một cách hợp lý và hiệu quả, yêu cầu có sự phối hợp nhịp nhàng, chia sẻ trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực như: Cơ quan quản lý đầu tư, cơ quan thuế, hải quan và BHXH. Định kỳ 3 tháng, các bên trao đổi thông tin với nhau về việc DN đã nợ thuế, nợ BHXH hoặc thay đổi địa chỉ kinh doanh; kết hợp với công tác quản lý tại địa phương để kịp thời phát hiện những trường hợp DN không tiến hành các thủ tục pháp lý để hoạt động cũng như chấm dứt hoạt động. Trong nhiệm vụ chức năng của mình, các bên tiến hành xử lý các DN theo đúng các quy định pháp luật. Cơ chế hậu kiểm này không chỉ để xử lý DN vi phạm mà còn có thể kịp thời phát hiện các DN gặp khó khăn về tài chính, hỗ trợ và giúp các DN đề ra các biện pháp khắc phục khó khăn đó.

Theo Công ước Bảo vệ Tiền lương (Công ước 95) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong trường hợp phá sản, tiền lương còn nợ phải được coi là khoản nợ đặc biệt cần phải giải quyết trước. Các yêu sách của NLĐ luôn có vị trí được cân nhắc đặc biệt. Nhiều nước đã hình thành các Quỹ bảo đảm tiền lương để chi trả cho NLĐ trong trường hợp họ không được hưởng lương từ người sử dụng lao động. Các quỹ này hình thành chủ yếu dưới hình thức phí đóng từ DN.

Đã hơn 2 năm trôi qua sau khi chủ Cty TNHH may mặc Vina Kangaroo (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bỏ về Hàn Quốc để lại một khoản nợ gần 30 tỉ đồng, đến thời điểm này, nhiều CN vẫn “trắng tay”, không nhận được các quyền lợi của mình cũng như bất cứ sự hỗ trợ nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn