MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Minh Phương.

Chắt bóp sau 5 năm xuất khẩu lao động, người dân chật vật 6 tháng không mua được nhà

Mạnh Cường LDO | 05/06/2023 22:10

Giá nhà đất ngày càng tăng cao, để mua được nhà với thu nhập đều đặn 7 - 10 triệu đồng/tháng là rất khó. Vì thế, người lao động phải chắt bóp, chi tiêu tiết kiệm, xây nhà trên đất có sẵn cũng như mong chờ các chính sách thiết thực.

Anh Bùi Văn Quyền (28 tuổi, Hải Phòng) sau 5 năm đi xuất khẩu lao động về nước đã khá bất ngờ với giá đất, nhà ở quê hương. Mặc dù có số vốn không nhỏ trong tay nhưng anh vẫn e ngại và xót xa nếu quyết định xuống tiền mua nhà.

"5 năm trước, thửa đất 150m2 nhà bác tôi trầy trật mãi mới bán được 300 triệu đồng, thế mà bây giờ thửa đất đó rao bán 1,5 tỉ đồng, chỉ sau 2 tuần đã có người hỏi mua. Biết vậy, 5 năm trước, tôi cố gắng vay mượn mua đất để đó bây giờ bán cũng có lãi bằng mấy năm đi xuất khẩu lao động" - anh Quyền nói.

Anh Quyền và gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tham dự một phiên đấu giá đất tại xã nhà, anh Quyền cũng mất niềm tin khi giá đấu cao không kém so với giá thị trường. Bởi người mua thì ít mà cò đất thì nhiều, họ chủ yếu đấu giá cao để dễ trúng rồi bán lại sang tay kiếm lời.

"Xung quanh mảnh đất tôi đấu có một số nhà dân rao bán 800 triệu đồng, những tưởng đi đấu sẽ được mức giá của Nhà nước nhưng tôi đã lầm. Giá khởi điểm chỉ 350 triệu đồng, sau đấu giá đã tăng lên 750 triệu đồng, thửa xấu nhất cũng 710 triệu đồng. Mua xong rồi tiền đâu mà xây nhà nữa" - anh Quyền kể lại.

Do đó, sau hơn nửa năm tìm kiếm đất, nhà không có kết quả như mong muốn, anh Quyền đã quyết định phá bỏ căn nhà cũ mẹ đang ở để xây lại căn nhà mới khang trang, hiện đại hơn.

Dù vậy, anh Quyền vẫn hy vọng tìm kiếm được thửa đất đẹp với giá tiền phù hợp để mua cho con cái sau này. Anh mong muốn Nhà nước siết chặt lại vấn đề giao dịch bất động sản, tránh tình trạng thổi giá lên cao, đầu tư ảo.

Chị Hoa chấp nhận mua nhà ở xa để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bên cạnh đó, anh Quyền cho biết, nên đánh thuế nặng hơn với những người mua bất động sản từ thửa thứ hai trở đi. Đồng thời, sàng lọc kỹ các đối tượng tham gia đấu giá để người cần sẽ mua được thửa đất với giá tiền phù hợp.

Sau gần 5 năm đi làm công nhân, chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (30 tuổi, Nam Định) cùng chồng mới mua được căn nhà để an cư. Tuy nhiên, căn nhà vẫn chưa khiến chị hài lòng bởi diện tích chưa được rộng, cách xa bố mẹ đồng thời mới chỉ trả được ¾ số tiền, mua nhà xong vẫn phải đi làm để trả nợ.

Hai vợ chồng chị Hoa đi làm 5 năm, tiết kiệm được 800 triệu đồng. Tìm ở quê toàn thửa đất to trên 100m2, dù trong ngõ nhưng giá đã 400 đến 700 triệu đồng. Còn nếu có nhà tiện nghi đều trên 1 tỉ đồng vì khi bán, họ tính thêm cả tiền nhà.

Cuối cùng, hai vợ chồng nữ công nhân đã chấp nhận mua căn nhà 50m2 giá 950 triệu đồng ở gần thành phố Nam Định. Căn nhà cách quê ngoại 28km, quê nội 19km nên mỗi lần về quê khá xa xôi, mệt mỏi. Công việc cũng phải chuyển đổi để tiện lợi mỗi khi đi làm.

Mua nhà xong được 6 tháng thì thị trường bất động sản có vẻ chững lại, xuống giá. Căn nhà hàng xóm giống nhà chị ban đầu định giá 1 tỉ đồng nhưng phải bán cắt lỗ 900 triệu đồng để có tiền xoay sở lo cho công việc.

Qua dò hỏi, chị Hoa được biết, sở dĩ bất động sản trầm lắng vì lãi suất ngân hàng tăng cao và ảnh hưởng từ các chính sách thắt chặt của Nhà nước. Vì thế, chị mong muốn Nhà nước kiểm soát chặt hơn nữa với các giao dịch bất động sản đầu cao, mua đi bán lại nhiều lần. Nếu có thể, nên tạo điều kiện để người lao động được hưởng lãi suất hấp dẫn khi họ chưa sở hữu bất động sản riêng nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn