MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Ảnh: Đ.C.

Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quyết định tốc độ tăng năng suất lao động

NHÓM PV LDO | 27/10/2022 16:54
Nền kinh tế mở cửa trở lại, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể, trong đó chất lượng nguồn nhân lực được coi là nhân tố quan trọng, quyết định tốc độ tăng năng suất lao động.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội về những giải pháp căn cơ để cải thiện năng suất lao động.

Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Tuy nhiên, tốc độ tăng chưa nhanh, nếu không có giải pháp quyết liệt, năng suất lao động của Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Năm 2022, tăng trưởng GDP bình quân 9 tháng là hơn 8%, nền kinh tế đã mở cửa trở lại, nhưng chúng ta chỉ đạt tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 4,7-5,2%, thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là 5,5%. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu này chưa đạt mục tiêu đề ra.

Năm 2023, Chính phủ đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân từ 5,0 - 6,0%. Trong khi đó, Nghị quyết của Quốc hội ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 đề ra mục tiêu trên 6,5%/năm.

Vì vậy, việc đề ra các chỉ tiêu của năm 2023 phải đặt trong tổng thể chung và gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Năm 2022, chúng ta dự kiến đạt được từ 4,7 - 5,2% thì năm 2023 có thể kỳ vọng mức cao hơn và tiệm cận hơn đến mức 6,5% mà kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định.

Nhân tố quan trọng quyết định đến tốc độ tăng năng suất lao động là gì, thưa ông?

- Đầu tiên là chất lượng nguồn nhân lực. Nhìn ra thế giới cho thấy Hàn Quốc là quốc gia có xuất phát điểm thấp. Vào những năm 1960, GDP của Hàn Quốc chỉ ngang bằng Việt Nam ở cuối những năm 1980.

Thế nhưng đến nay, họ đã có những bước phát triển thần kỳ. Họ thực hiện thay đổi hoàn toàn chế độ lương bổng, đãi ngộ nhân tài và đột phá về khoa học công nghệ, mời các chuyên gia hàng đầu người Hàn Quốc trên thế giới về làm việc với mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt.

Hay như Singapore là một quốc đảo không có tài nguyên, tuy nhiên, họ đã xác định rất rõ sự phát triển kinh tế đất nước mình sẽ dựa chủ yếu vào các ngành dịch vụ như: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ logistics, phát triển công nghệ cao.

Để làm được điều đó, Singapore đã thu hút nhân lực chất lượng cao ở khắp nơi đến làm việc với một chế độ đãi ngộ rất tốt và chính sách nhập cư thuận lợi. Do vậy, Singapore sở hữu được nguồn nhân lực tốt và nguồn nhân lực này đã đóng góp cho nền kinh tế của họ phát triển như hiện nay.

Ở nước ta, Đảng ta xác định một trong 3 đột phá chiến lược là: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định “tài năng, trí tuệ con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, trong thời gian vừa qua, chúng tôi đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 hay Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu. Tuy nhiên, để chuyển từ thời kỳ dân số “vàng” về số lượng sang “vàng” về chất lượng thì cần có giải pháp tổng thể, toàn diện như thế nào?

- Cần khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở tổng kết, đánh giá, việc thực hiện 2 chiến lược này trong giai đoạn 2011-2020.

Xây dựng, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030 để thể chế hóa Kết luận số 52 của Ban Bí thư. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động như đã xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ tại Nghị quyết số 01 ngày 8.1.2022 của Chính phủ.

Cùng với các chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần của Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia về quản trị quốc gia.

Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút, để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về, gắn bó và hết mình công hiến cho quê hương, cho đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn