MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Phùng Thị Hạnh - công nhân cụm ráp 2, Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội, Tổng Công ty May 10. Ảnh: Hải Nguyễn

Chất lượng nguồn nhân lực quyết định nâng cao năng suất lao động

Tất Thảo LDO | 26/05/2024 09:47

Tròn 18 tuổi, chị Phùng Thị Hạnh bước chân vào nghề may - nghề gắn bó với chị đến bây giờ. Ngay từ thời điểm chập chững trong nghề đó, chị luôn ý thức mình cần phải quan sát và học hỏi mỗi ngày, lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ: Làm thế nào để tăng năng suất, làm thế nào để tay nghề ngày càng nhanh hơn?

Tại Diễn đàn nâng cao năng suất lao động Quốc gia diễn ra sáng 26.5, chị Phùng Thị Hạnh - công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng Công ty May 10 - chia sẻ suy nghĩ cá nhân về việc chủ động, thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

“Tôi nhớ, năm 2010, khi tròn 18 tuổi, bước chân vào May 10, tôi rất vui, nhưng cũng rất lo lắng và bỡ ngỡ. Là công nhân mới, chưa từng qua trường lớp đào tạo, tôi rất ngưỡng mộ các cô chú anh chị đi trước, tôi tự nhủ, nhất định mình sẽ phải làm được như thế và hơn thế. Tôi ý thức mình cần phải quan sát và học hỏi mỗi ngày, lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ: Làm thế nào để tăng năng suất, làm thế nào để tay nghề ngày càng nhanh hơn?” - chị Hạnh trăn trở.

Chị Hạnh chia sẻ, bước đầu, chị học hỏi từ đồng nghiệp. Tranh thủ giờ nghỉ ca, chị học từ các cô chú có thâm niên, chuyền nào có người giỏi, công đoạn nào có người làm tốt hơn là chị học. Chị học anh chị quản lý chuyền cách bố trí hàng, cách sắp xếp hàng hóa sao cho hợp lý và thuận tiện nhất, đúc rút ra kinh nghiệm cho mình và loại bỏ những thao tác thừa, giúp đẩy nhanh năng suất. Từ những ngày đầu được 200-300 sản phẩm, thì sau 5 tháng chị đã may được 700-800 sản phẩm/ngày.

“Nhưng với tôi, như vậy vẫn chưa đủ, chưa hài lòng. Tôi luôn cảm thấy mình có thể làm được nhiều hơn thế. Vậy nên, tôi đã học cách kiểm soát thời gian với mục tiêu năng suất giờ sau phải tăng hơn giờ trước. Hơn một năm sau, tôi đã là người dẫn đầu về năng suất tại đơn vị với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công đoạn” - nữ công nhân kể.

Không chỉ làm chủ công đoạn của mình, chị Hạnh còn đam mê học thêm những công đoạn khác để tay nghề của mình được nâng cao hơn và trở thành thợ điều động, có thể làm được bất kỳ vị trí nào trong công đoạn sản xuất.

Với quá trình học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ, đến nay chị Hạnh luôn là công nhân đạt năng suất và thu nhập cao hàng đầu của Xí nghiệp với 15.000.000 đồng/tháng.

Từ thực tế công việc của một người lao động trực tiếp, chị Hạnh cho rằng, năng suất lao động nước ta còn có thể nâng cao nhiều hơn nữa, nếu từng doanh nghiệp, từng người lao động luôn nỗ lực hàng ngày.

Ở góc độ quản lý, bà Vũ Thị Mai - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) - cho hay, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định đến việc thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động.

“Viettel chú trọng lựa chọn những nhân sự phù hợp trên cả 3 khía cạnh: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Việc tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp ngoài dựa trên năng lực, thành tích thì cần cả yếu tố phù hợp với văn hóa. Nhờ đó, chúng tôi luôn tuyển chọn được các nhân sự không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có tinh thần sẵn sàng dấn thân, cống hiến”- bà Mai chia sẻ.

Kết quả là, Viettel đang sở hữu đội ngũ hàng nghìn nhân sự chất lượng cao trong các ngành viễn thông, nghiên cứu CNC, làm chủ việc thiết kế, vận hành mạng lưới trên toàn cầu, các công nghệ 4G, 5G hay đội ngũ 300 chuyên gia ANM, có tuổi đời rất trẻ nhưng đã giành được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới. Viettel cũng là DN dẫn đầu về số lượng sáng chế tại Việt Nam với 142 bằng bảo hộ trong nước, 17 bằng bảo hộ tại Mỹ và hơn 220 công nghệ lõi.

Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu, bà Phạm Thị Thu Lan - Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn - cũng cho biết, năng suất của các yếu tố khác đều phụ thuộc vào yếu tố lao động.

“Người lao động không có kỹ năng thì mong muốn đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại cũng trở nên vô nghĩa” - bà nói.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, học tập cũng cần có động lực. Người lao động khi còn đang phải vướng bận kiếm bữa cơm hàng ngày cho gia đình thì học tập cho bản thân không phải là sự ưu tiên. Người lao động không thể dành thời gian, tâm trí và sức lực cho việc học tập, chưa nói tới người có tiền lương thấp sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho học tập cho bản thân và con cái. Thiếu học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn