MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch LĐLĐ An Giang Nguyễn Thiện Phú (giữa) phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: LỤC TÙNG

Chất lượng thỏa ước lao động tập thể là nhiệm vụ “sống còn” của Công đoàn

LỤC TÙNG LDO | 09/08/2019 16:30

“Tham gia nâng chất thỏa ước lao động thập thể (TƯLĐTT) không chỉ thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ), mà còn góp phần khẳng định vị trí không thể thay thế của tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam trước bối cảnh hội nhập và cạnh tranh” - ông Nguyễn Thiện Phú, Chủ tịch LĐLĐ An Giang, cho biết.

Vừa ít, vừa yếu

Vừa qua, LĐLĐ An Giang tổ chức buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT”, với sự tham dự của gần 100 đại biểu là cán bộ CĐ, sở ngành có liên quan.

Toàn tỉnh An Giang có 245 doanh nghiệp (DN) thành lập CĐCS, trong đó có 171 DN thực hiện TƯLĐTT (đạt 69,79%), như vậy vẫn còn trên 30% DN chưa ký TƯLĐTT. Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh An Giang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: DN có số lượng đoàn viên thấp, có nhiều thành viên là người trong gia đình DN... Ngoài ra, còn có yếu tố cán bộ CĐCS chưa mạnh dạn thương lượng với chủ DN và một số CĐ cấp trên cơ sở còn chưa tích cực trong hỗ trợ, hướng dẫn CĐCS tổ chức, triển khai thực hiện, kiểm tra... Nhưng căn bản nhất vẫn là do từ phía DN. “Một số DN còn coi nhẹ việc thương lượng, không phối hợp với CĐCS để xây dựng TƯLĐTT có chất lượng” - ông Nguyễn Tấn Đức, Phòng Lao động Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội An Giang), nhận xét.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đáng lo hơn là chất lượng TƯLĐTT vẫn chưa cao. Là người có mặt trong nhiều chuyến khảo sát thực tế, ông Đức nhận xét: “Có DN ký kết TƯLĐTT nhằm đối phó với cơ quan Nhà nước khi có đoàn đến kiểm tra”. Thậm chí, có TƯLĐTT hầu như chỉ sao chép lại các điều khoản của Bộ Luật Lao động.

Là tổ chức CĐ của đơn vị có 100% doanh nghiệp ký TƯLĐTT, nhưng ông Tô Minh Lắm - Chủ tịch CĐ Khu Công nghiệp tỉnh An Giang - vẫn phải thừa nhận: “Chất lượng TƯLĐTT vẫn chưa đáp ứng được trình tự, thủ tục thương lượng, ký kết và nguyện vọng thiết yếu của phần đông người lao động (NLĐ). Nội dung có lợi cho NLĐ về tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, học tập nâng cao trình độ còn ít, chủ yếu vẫn tập trung vào các nội dung liên quan đến phúc lợi của NLĐ như ma chay hiếu hỷ, thăm hỏi...”.

Quyết tâm “sống còn”

“TƯLĐTT là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng... Thông qua sức mạnh tập thể, các thương lượng nhằm đạt những lợi ích cho NLĐ cao hơn quy định của pháp luật. Một bản TƯLĐTT thật sự có chất lượng phụ thuộc lớn vào bản lĩnh, vai trò từ tổ chức CĐ” - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú - khẳng định.

Nhằm giúp tổ chức CĐ thực hiện tốt hơn nữa chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ, ông Tô Minh Lắm đề xuất, phải thuyết phục để chủ DN hiểu rõ mục đích của TƯLĐTT. “Hiện nay, các chế độ phúc lợi bắt buộc theo quy định của pháp luật không còn là lợi thế cạnh tranh của một DN. Thay vào đó, DN muốn ổn định lao động, sản xuất phát triển bền vững, phải cải thiện, nâng cao phúc lợi tự nguyện tại đơn vị cho NLĐ, tạo động lực để NLĐ an tâm và gắn bó cống hiến phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, tổ chức CĐ phải làm cho DN hiểu và sử dụng TƯLĐTT để giải quyết các vấn đề về quan hệ LĐ” - ông Lắm nêu ý kiến.

Cụ thể hơn, ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội An Giang - đề xuất: “Do phần lớn cán bộ CĐCS là kiêm nhiệm, nặng việc chuyên môn... vì vậy, nên có quy định và hướng dẫn thực hiện theo từng ngành nghề cụ thể để họ thuận lợi hơn, hiệu quả hơn trong vận động, thuyết phục DN”.

Đánh giá cao đề xuất này, ông Nguyễn Thiện Phú cho rằng, để TƯLĐTT ngày một chất lượng hơn, đề nghị tới đây thay đổi cách thực hiện. Theo đó, không tiếp tục việc đưa các quy định pháp luật vào nội dung bản TƯLĐTT, mà chỉ ghi những gì có lợi hơn cho NLĐ. Nếu DN nào không có điều khoản nào có lợi hơn cho NLĐ thì không có gì để thể hiện trong văn bản thỏa ước.

Để làm được điều này, theo ông Phú, chính cán bộ CĐ là “chìa khóa thành - bại”, từng cán bộ CĐ phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, sống còn của tổ chức CĐ. Bởi như thế không chỉ có ý nghĩa thiết thực bảo vệ NLĐ, mà còn khẳng định vị trí không thể thay thế của tổ chức CĐVN trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn