MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Trần Mỹ Kim đi xin việc nhiều nơi đều bị từ chối vì lớn tuổi. Ảnh: Phương Ngân

Chật vật mưu sinh ở độ tuổi trung niên

Phương Ngân - Anh Tú  LDO | 18/04/2023 06:52

Nhiều người lao động ở độ tuổi trung niên đang chật vật kiếm sống tại TP Hồ Chí Minh. Trong số họ, có người vì thu nhập ở công ty cũ không đảm bảo cuộc sống nên chủ động nghỉ việc; số khác thì thuộc diện bị cắt giảm.  

Xin việc nhiều nơi không được

Chị Trần Mỹ Kim (44 tuổi), từng là công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (Quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Ngày 1.12.2022, chị Kim cùng hơn 1.100 công nhân khác chính thức bị chấm dứt hợp đồng lao động. Một số người bị cắt giảm đã xin được công việc mới, một số người đã khăn gói về quê sinh sống. Còn với chị Kim, vốn sinh ra tại TP Hồ Chí Minh, nhưng hoàn cảnh khó khăn, chị cũng phải ở trọ như bao người lao động nhập cư. Cái khó hơn của chị là không có quê để về.

Chị Kim thuê trọ tại Quận 8, sống cùng chồng và đứa con gái nhỏ. Hai đứa con lớn của chị, cũng hiểu hoàn cảnh gia đình nên tự bươn chải kiếm sống và thuê phòng trọ riêng.

Trước đây, khi còn làm ở công ty cũ, thu nhập mỗi tháng của chị Kim được hơn 6 triệu đồng. Từ ngày mất việc, chị đã đi xin việc nhiều nơi nhưng đều bị từ chối vì lớn tuổi. Hàng ngày chị đi khắp nơi tìm việc, ai thuê gì làm đó, nhưng công việc bấp bênh.

“Từ khi mất việc, tôi cứ chạy ngoài đường, ai kêu gì làm đó. Thấy tôi không có việc, một chị ở gần nhà thuê tôi dọn dẹp, tuần làm 1 lần được 200.000 đồng. Mới đây, tôi xin vào làm cùng công ty với chồng, nhưng công ty tư nhân không có đóng bảo hiểm và ít việc. Tuần hai vợ chồng làm có 2-3 ngày nên thu nhập không đủ xoay xở” - chị Kim nói.

Chị Kim mong muốn xin được công việc ổn định và có thể tiếp tục tham gia BHXH, nhưng hiện nay, đa phần các công ty đều tuyển dụng lao động trẻ.

“Tôi xin vào công ty làm nhưng người ta chỉ tuyển độ tuổi từ 18-35, còn tôi quá tuổi, đến nộp hồ sơ thì người ta bảo đã tuyển đủ người nên đành đi về. Tôi cũng không dám xin việc ở xa vì con tôi đi học ở đây, mỗi ngày tôi phải đưa đón. Giờ cả tuần hai vợ chồng chỉ kiếm được khoảng 2 triệu đồng đâu đủ xoay xở. Từ tiền trọ, sữa cho con, tiền ăn uống, đi học của con, khổ lắm… Tôi chỉ mong sao kiếm được công việc ổn định để lo cho cuộc sống hàng ngày” - chị Kim chia sẻ.

Thu nhập không đủ lo cho cuộc sống

Tháng 11.2022, chị Nguyễn Thị Chi (51 tuổi, quê Cần Thơ), quyết định xin nghỉ việc ở công ty đã gắn bó 10 năm để đi tìm công việc mới. Chị Chi chia sẻ, từ sau dịch, công ty làm ăn khó khăn, việc cũng ít đi, công nhân bị giảm giờ làm, giảm thu nhập. Thu nhập giảm không đủ chi tiêu cho cuộc sống nên chị quyết định xin nghỉ để đi tìm công việc mới.

Nếu như trước kia công việc ổn định, một tháng chị Chi nhận được 6-7 triệu đồng, thì khi công việc khó khăn, trung bình một tháng chị chỉ nhận được khoảng 4 triệu đồng.

“Công việc khó khăn, Một tuần tôi chỉ làm được 4-5 ngày, thu nhập cũng bị giảm theo. Mỗi kỳ lương (nửa tháng) tôi chỉ lãnh được 1,8 triệu-2 triệu đồng, mà cả hai vợ chồng đều như vậy thì làm sao sống nổi. Do đó, tôi chấp nhận bỏ tiền Tết xin nghỉ để đi qua nơi khác làm” - chị Chi kể.

Lớn tuổi, không có tay nghề, khi nghỉ việc ở công ty cũ, chị Chi xin vào làm tạp vụ tại một công ty gần nơi ở với thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Mỗi tháng, hai vợ chồng chị phải chi các khoản như: nhà trọ, tiền ăn uống, đi lại và gửi về phụ giúp con ở quê. Để có thể đủ tiền chi tiêu, chị Chi cùng chồng phải thắt lưng buộc bụng.

“Hơn 10 năm lên TP Hồ Chí Minh, chưa bao giờ tôi thấy khó khăn đến vậy. Để đủ chi tiêu với số tiền lương ít ỏi, hai vợ chồng tôi không dám ăn bên ngoài. Sáng hai vợ chồng nấu cơm ăn rồi đi làm, trưa tôi ăn cơm ở công ty, còn chồng về nhà ăn cơm để tiết kiệm chi phí. Hiện giờ, đến cả những người lao động trẻ xa quê còn phải chật vật chuyện cơm áo gạo tiền, thì với những người mất việc ở độ tuổi trung niên như tôi càng khó khăn gấp bội’ - chị Chi chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn