MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối với công nhân thu nhập thấp nhà trọ cũ kĩ, giá rẻ được ưu tiên lựa chọn để tiết kiệm chi phí. Ảnh minh họa: Bích Ngọc.

Chi 1/3 thu nhập để thuê trọ, công nhân Cần Thơ kì vọng vào nhà ở xã hội

VÂN HI LDO | 16/01/2024 18:03

Thu nhập thấp, trong khi phí thuê trọ khá cao đã trở thành gánh nặng chi phí. Nhiều công nhân bày tỏ kì vọng vào nhà ở xã hội nhằm tạo sự thuận lợi để an tâm sản xuất.

Chi 1/3 thu nhập để thuê trọ

Không còn ở tạm trong dãy nhà trọ có phần cũ kĩ, xuống cấp, vỏn vẹn 10m2, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai (công nhân một công ty may mặc tại Cần Thơ) chấp nhận chi 1/3 mức lương hàng tháng để thuê căn phòng trọ tiện nghi hơn.

Với mức thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng của cả vợ chồng, và xác định làm việc lâu dài, chị Mai quyết định đổi chỗ ở, thuê phòng trọ với diện tích 20m2, với chi phí 2 triệu đồng/tháng.

"Suy nghĩ kĩ lắm vợ chồng tôi mới quyết định đổi chỗ ở. Trước mới lên nên thuê tạm, có chỗ ngủ là được nên chấp nhận ở phòng cũ kĩ. Tính cả điện nước sinh hoạt mỗi tháng tầm 2.150.000 triệu đồng, tương đương với 1/3 tiền lương của tôi. Giá có đắt thật nhưng đành chịu. Thuê phòng nhỏ, cũ kĩ, khi ông bà chở con cái lên chơi thì không có chỗ ngủ lại", chị Mai nói.

Còn chị Thu Hà (công nhân một công ty may mặc tại Cần Thơ) vẫn sớm tối ra về trong căn phòng trọ cũ kĩ, chật hẹp. "Tôi đi làm một mình nên có chỗ ngủ là được. Mức lương mỗi tháng gần 5 triệu đồng, trọ giá rẻ cũng đã 1,2 triệu đồng/tháng. Anh em công nhân đa số đều ở thuê phòng trọ cũ. Ở một mình tôi cũng thấy lo lắng, chỉ mong doanh nghiệp hỗ trợ nhà ở cho công nhân thì mừng lắm".

Kì vọng vào nhà ở xã hội

Theo nữ công nhân Nguyễn Thị Mai, việc thuê trọ giá cao phụ thuộc vào mức thu nhập của vợ chồng. Nếu có biến động công việc thì phương án thuê trọ giá rẻ sẽ được lặp lại.

"Tôi chỉ hy vọng doanh nghiệp ổn định sản xuất thì mới có thể ở được phòng trọ mới này, còn nếu cắt giảm nhân sự như trước thì trọ dù cũ, xuống cấp vẫn phải ở. Nghe có nhà ở xã hội tôi mừng lắm, rất mong doanh nghiệp tạo điều kiện để thuê được nhà ở giá rẻ, tạo thuận lợi, nhất là công nhân làm việc lâu dài", chị Mai nói.

Tại TP Cần Thơ, qua thống kê năm 2023, có đến 56.638 công nhân và người lao động (chiếm tỉ lệ 65%) có nhu cầu về nhà ở. Ảnh: Mỹ Ly

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có trên 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng. Trong đó, nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn với giá thuê khoảng 1,5 đến 4 triệu đồng/tháng, chiếm 25% - 30% thu nhập của công nhân lao động…

Tại TP Cần Thơ, theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, năm 2023 toàn thành phố có 87.136 công nhân và người lao động. Qua thống kê, có đến 56.638 công nhân và người lao động (chiếm tỉ lệ 65%) có nhu cầu về nhà ở.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thông tin, thành phố đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp với quy mô 2.459 căn, đáp ứng khoảng 3,8% nhu cầu nhà ở xã hội của toàn thành phố. Bên cạnh đó, đã sớm hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để triển khai dự án nhà ở xã hội tại khu Thiết chế Công đoàn Cần Thơ.

Ngoài ra, Cần Thơ cũng đang khẩn trương hoàn thành xây dựng đề án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố trong quý II năm 2023 theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đề án này, TP Cần Thơ được giao chỉ tiêu hoàn thành 9.100 căn nhà ở xã hội (Giai đoạn 2022 - 2025 là 4.100 căn và giai đoạn 2026 - 2030 là 5.000 căn).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn