MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động sản xuất “3 tại chỗ” tại KCN Amata, TP.Biên Hoà, Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Chỉ hoạt động sản xuất ở “nhà máy xanh”, công nhân ở “vùng xanh”

HÀ ANH CHIẾN LDO | 20/09/2021 07:00

Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, cho phép các doanh nghiệp ở “vùng xanh” được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thời gian qua do dịch bệnh phức tạp, một số lượng lớn công nhân lao động đã rời khỏi Đồng Nai về quê tránh dịch, một số lượng lớn công nhân cũng đang mắc kẹt trong các “vùng đỏ”, không thể tham gia lao động sản xuất. Điều này dẫn đến việc Đồng Nai có nguy cơ thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra phương hướng giải quyết cho vấn đề này. 

Từng bước phục hồi

Tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương có đông công nhân lao động nhất cả nước với 1,3 triệu người. Trong đó, khoảng 700.000 công nhân làm việc trong hơn 30 khu công nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều nhà máy, công ty phải đóng cửa vì nằm trong “vùng đỏ”, hàng chục nghìn khu nhà trọ công nhân bị phong toả, cách ly y tế, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. 

Ông Lê Quốc Thanh - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái - cho biết: Tập đoàn Phong Thái có 65.000 lao động làm việc ở nhiều công ty con trên địa bàn huyện Trảng Bom và huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên  trong suốt 2 tháng qua, công ty này đã phải đóng cửa vì dịch bệnh, nhưng vẫn đảm bảo duy trì mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ là 4.420.000 đồng/LĐ cho toàn thể NLĐ. Cụ thể, trong thời gian ngừng việc các, công ty của tập đoàn đã chi trả tổng cộng trung bình mỗi tháng là 17 triệu USD (tương đương 388 tỉ đồng).

Do đó, sau khi Đồng Nai ban hành kế hoạch phục hồi, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện đã chuẩn bị sẵn phương án trình chính quyền địa phương để phục hồi hoạt động sản xuất trở lại. 

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) - cho biết,  công ty có chi nhánh ở huyện Tân Phú, thuộc “vùng xanh” nên đang chuẩn bị các điều kiện để cho người lao động tại khu vực này đi làm trở lại. Công ty này có nhà máy ở huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành và huyện Tân Phú. 

Trước mắt, công ty cố gắng mở dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng công suất hoạt động lên 25% và sau đó từng bước nâng công suất sau khi Đồng Nai được nới lỏng các quy định. 

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐCS Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hoà 2, Đồng Nai) cũng cho biết,  công ty cũng đang lên sẵn kế hoạch phục hồi sản xuất dần trở lại, tuy nhiên cũng gặp khó khăn thiếu hụt lao động do người lao động về quê, ở trong khu phong toả hoặc chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine. 

Từng bước mở rộng

Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai,  hiện nay các doanh nghiệp đang chờ hướng dẫn của Sở LĐTBXH và Ban quản lý các Khu công nghiệp để có phương án cụ thể phục hồi sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Mộng Thu - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, việc thiếu hụt lao động là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, phần lớn lao động vẫn đang bám trụ trên địa bàn, chờ khôi phục kinh tế để tiếp tục sản xuất. Do đó, tỉnh Đồng Nai cũng đang nới lỏng dần các quy định nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch để giúp các doanh nghiệp trước mắt ổn định an toàn sản xuất, sau đó dần nâng công suất hoạt động và tiến hành tuyển dụng thêm lao động khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UNBD tỉnh Đồng Nai cho biết, về vấn đề thiếu hụt lao động, hiện nay tỉnh Đồng Nai mới đang triển khai phương án từng bước để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, phải đảm bảo việc phòng dịch là tối thượng, chỉ cho phép hoạt động ở nhà máy nằm trong “vùng xanh” (vùng bình thường mới - PV) và công nhân ở “vùng xanh” được hoạt động. Do đó, hiện nay tuỳ thuộc vào số lượng, quy mô công nhân có bao nhiêu thì sẽ tổ chức sản xuất ở quy mô đó, rồi mới từng bước mở rộng thêm khi việc phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt các kết quả khả quan hơn.

Doanh nghiệp FDI mong sớm tiêm 100% vaccine cho công nhân

Ngày 18.9, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã gặp gỡ các doanh nghiệp FDI trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp theo kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh mới công bố. Theo đó, các doanh nghiệp đều mong muốn tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh việc tiêm phủ 100% mũi 1 cho toàn bộ người lao động (NLĐ) để sớm có thể tái sản xuất; đồng thời, nêu ra nhiều khó khăn liên quan đến việc đi lại của công nhân, nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài…


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn