MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mới chỉ có hơn 90 lao động ngành Du lịch Đà Nẵng tiếp cận được gói vay vốn hỗ trợ của thành phố. Ảnh: Tường Minh

Chỉ hơn 90 lao động ngành Du lịch Đà Nẵng tiếp cận được gói vay hỗ trợ

Tường Minh LDO | 04/10/2021 19:30

Mới chỉ có hơn 90 lao động ngành Du lịch Đà Nẵng tiếp cận được gói hỗ trợ vay vốn của thành phố sau hơn 3 tháng triển khai.

Như tin đã đưa, cuối tháng 5.2021, Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng đã đề xuất và được UBND Thành phố Đà Nẵng đồng ý, ban hành chủ trương cho người lao động ngành Du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách, mỗi người lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng, trong thời gian 3 đến 5 năm.

Mục tiêu là giúp người lao động chuyển đổi công việc tạm thời, dự kiến thời gian vay như vậy đủ để thị trường phục hồi, từ đó người lao động ngành du lịch sẽ có thu nhập để trả khoản vay trên.

Tuy  nhiên đến thời điểm này, sau hơn 3 tháng triển khai, mới chỉ có hơn 90 lao động trong ngành Du lịch nhận được các gói vay với tổng số tiền khoảng 4,9 tỉ đồng. Trong đó, gói vay thấp nhất là 15 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng.

Thống kê của Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng vào thời điểm thành phố ban hành chính sách trên, số lao động du lịch ngừng việc, nghỉ việc của Thành phố Đà Nẵng do ảnh hưởng dịch COVID-19 ước khoảng 31.874 người. Đây là một con số rất lớn so với số người tiếp cận được nguồn vốn vay của thành phố qua ngân hàng chính sách.

Nguyên nhân, theo phản ánh của nhiều lao động bị từ chối vay vốn là trong thời gian bị mất việc và chờ ngành Du lịch mở cửa đón khách để họ có việc làm trở lại, họ chủ động đi tìm một công việc khác. Và họ bị ngân hàng từ chối cho vay với lý do đã tìm được việc làm, không còn thuộc diện được vay vốn. Hay họ tạm trú ở phường này, thường trú ở phường khác khiến việc xác nhận và tiếp nhận hồ sơ của ngân hàng gặp khó khăn...

Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng, sở dĩ chưa có nhiều lao động tiếp cận được với nguồn vốn do đây là gói vay tín chấp với nhiều điều kiện nghiêm ngặt cùng 5 bước thẩm định.

Trước hết, người lao động phải có phương án chuyển đổi công việc và công việc này phải liên quan đến du lịch, dịch vụ nhằm tránh tình trạng ngành Du lịch bị mất lao động sau khi phục hồi.

Tiếp đến, một trong các bước thủ tục là phải có sự thẩm định, xác nhận của tổ vay vốn ở địa phương liên quan đến nhân thân, khả năng trả nợ... 

"Đây là một chính sách tốt. Tuy nhiên, đây là vay vốn làm ăn chứ không phải vay tiêu dùng, nên có tiếp cận được hay không còn tuỳ thuộc vào năng lực và quyết tâm của người lao động liên quan đến việc chứng minh khả năng trả nợ" - ông Dũng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn