MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ LĐTBXH đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu và đều thực hiện theo lộ trình, mỗi năm tăng từ 3 - 4 tháng để tránh gây sốc. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chỉ nên áp dụng với khối hành chính sự nghiệp

LÊ PHƯƠNG LDO | 24/04/2018 07:51
Một trong những nội dung sơ bộ của đề án cải cách bảo hiểm xã hội được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội ngày 23.4 là đề xuất tăng tuổi hưu.

Bộ muốn tăng

Theo đó, Bộ LĐTBXH đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu: Phương án 1 là nữ lên 60 tuổi và nam lên 62 tuổi; phương án 2 là nữ lên 60 tuổi và nam lên 65 tuổi. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cả hai phương án đều thực hiện theo lộ trình, mỗi năm tăng từ 3 - 4 tháng để tránh gây sốc.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tính đến cuối năm 2017 đã có 13,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 5,67% so với năm 2016. Năm 2017, số thu bảo hiểm bắt buộc ước là 197,5 nghìn tỉ đồng, đạt 103,7% kế hoạch.

Để mở rộng đối tượng tham gia thời gian tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu, nâng mức hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, gắn với quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với các ưu đãi khác của nhà nước như ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, trong đề án trình Trung ương, cơ quan tham mưu của Ban Cán sự đảng Chính phủ đề xuất thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với thông lệ quốc tế, thiết kế chính sách công bằng. Nếu người đóng bảo hiểm xã hội rút ra sớm thì chỉ được nhận phần do mình đóng. Như vậy, người lao động có thể nhận lương hưu khi thời gian đóng thấp hơn mức quy định hiện tại, có thể dưới 20 năm, tất nhiên là chỉ được nhận bảo hiểm xã hội tương ứng với số tiền họ đóng.

Về vấn đề cải cách BHXH, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quan trọng là tập trung bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Muốn vậy, cần thiết kế xây dựng chính sách bảo hiểm ba tầng. Trong đó, thứ nhất là tầng an sinh - lương hưu xã hội; tầng thứ hai là bảo hiểm bắt buộc; và tầng 3 là bổ sung, mà thực chất là BHTN theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động đóng thêm bảo hiểm và hưởng lương hưu cao hơn, hỗ trợ quỹ lớn hơn.

Ngoài ra, theo ông Đào Ngọc Dung, nội dung quan trọng khác cũng cần được xem xét là việc điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. Hiện chúng ta đang quy định 20 năm, có những người tham gia 10 năm, 15 năm thì không thể theo được nữa.

Hiện có khoảng 230.000 doanh nghiệp đóng BHXH, trong khi số liệu cơ quan thuế cung cấp thì cả nước có tới 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, còn trên 300.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, ước tính với khoảng 3 triệu người lao động.

Đáng lưu ý là việc điều chỉnh lương hưu, trong đó có liên quan đến nội dung kéo dài thời gian lao động theo lộ trình để không gây sốc. Theo ông Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tuổi hưu với NLĐ, trong đề án đưa ra hai phương án, dù chọn phương án nào cũng đều phải thực hiện theo lộ trình.

Phương án 1 (nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi) sẽ được thực hiện theo lộ trình mỗi năm 3 tháng, còn phương án 2 (nữ 60 tuổi, nam 65 tuổi) mỗi năm 4 tháng để không gây sốc cho xã hội.

“Đây là bài học của Italia, điều chỉnh 4 tuổi trong 10 năm gây sốc toàn tập, cuối cùng phải điều chỉnh toàn bộ vì nó làm thay đổi cơ cấu lao động” - ông Đào Ngọc Dung cho hay.

Tổng LĐLĐVN: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng!

Về vấn đề này, trả lời Lao Động cách đây không lâu, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN), ông Nguyễn Đình Quảng cho biết: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều yếu tố, vì vậy cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá tác động cả những yếu tố KTXH một cách khoa học, chính xác.

Theo quan điểm của Tổng LĐLĐVN, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cần phải được xem xét trong điều kiện lao động và tình hình sức khỏe của NLĐ. Chúng tôi cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với NLĐ làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay.

Thực tế, hiện nay rất nhiều lao động nữ đang làm việc trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử… bị người sử dụng lao động cho nghỉ việc ở tuổi 30 - 35 với lý do sức khỏe không đáp ứng yêu cầu sản xuất… Kéo dài tuổi nghỉ hưu còn ảnh hưởng đến công tác quy hoạch cán bộ, công chức cũng như các chính sách liên quan đến cán bộ công chức của nước ta.

Tình trạng cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu tiếp tục được “giữ ghế” vừa tăng chi ngân sách (lương của cán bộ công chức không đáp ứng yêu cầu nếu được kéo dài thì ngân sách phải chi từ 2,5 - 3 lần so với lương của lao động trẻ) vừa cản trở sự phát triển chung.

Ngoài ra, hiện nhiều nước trên thế giới có quy định tuổi nghỉ hưu cao (trên 60 tuổi), song chủ yếu là các nước phát triển, môi trường, điều kiện làm việc được cải thiện. Khá nhiều nước có điều kiện tương đồng Việt Nam có tuổi nghỉ hưu bằng hoặc thấp hơn chúng ta như: Trung Quốc (60 - 55 tuổi), Indonesia (55 tuổi), Malaysia (55 tuổi), Thái Lan (55 tuổi)”.

Từ những vấn đề trên, ông Quảng nêu ý kiến: “Tổng LĐLĐVN không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là CNLĐ khu vực trực tiếp sản xuất, dịch vụ. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp thì có thể xem xét để nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm lao động trẻ và đảm bảo ổn định kế hoạch phát triển KTXH của đất nước. Đối với cán bộ quản lý hoặc những người có học hàm, học vị có thể được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng phải thôi làm quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn