MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo BHXH Việt Nam giao lưu với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: H.A

Chia sẻ kinh nghiệm về bảo hiểm xã hội bền vững trong bối cảnh già hoá dân số

THU MINH LDO | 08/03/2018 09:59
Đó là chủ đề cuộc hội thảo do BHXH Việt Nam vừa tổ chức do Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì. Tham dự hội thảo có ông Giles Lever - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Vương quốc Anh tại Việt Nam; ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; ông Josef Pilger - Chuyên gia trưởng Dịch vụ Hưu trí toàn cầu Ernst&Young - cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành…

Người cao tuổi (NCT) Việt Nam chủ yếu sống với con, cháu

Tại hội thảo, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, tại Việt Nam vào năm 2014, nhóm NCT từ 60 tuổi trở lên chiếm 10,2% dân số và theo các chuyên gia nhân khẩu học của Tổ chức Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già, sớm 3 năm so với dự báo. Nhận thức rõ những thách thức này, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật NCT, Chương trình hành động quốc gia về NCT và nhiều chính sách khác, với những điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của đất nước, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội cho NCT tại Việt Nam nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vật chất và tinh thần cho NCT.

Tuy nhiên, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng khẳng định, những thách thức trong công tác này vẫn cần được nghiên cứu và tiếp tục điều chỉnh. Đơn cử như hiện 1 bộ phận lớn dân cư sống ở nông thôn (65,7%) là nông dân và làm nông nghiệp; đời sống NCT đa phần còn khó khăn (70% số NCT không có tích luỹ vật chất; 2,3% gặp khó khăn, thiếu thốn và 18% sống trong hộ nghèo), trên 70% số NCT vẫn tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% số NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội; NCT Việt Nam chủ yếu sống với con, cháu chiếm 72,3%; nữ giới chiếm tỉ trọng cao trong nhóm NCT.

Song song đó, già hóa dân số cũng là thách thức đối với hệ thống y tế Việt Nam như gia tăng các bệnh mạn tính; chi phí y tế tăng cao vì chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ; khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho NCT còn hạn chế; thiếu nhân lực được đào tạo - thiếu người chăm sóc.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, Việt Nam là 1 quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng lại nằm trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng và điều chỉnh chính sách, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách hưu trí nói riêng đang đặt ra những yêu cầu mang tính thách thức không chỉ với ngành BHXH mà cho toàn hệ thống chính trị.

“Việc BHXH VN tổ chức hội thảo này nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia có thể chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhằm mục đích xây dựng - điều chỉnh chính sách, mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư quỹ BHXH góp phần thiết thực tạo nên 1 chế độ hưu trí bền vững cho NCT tại Việt Nam” - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam giao lưu với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: H.A

Người về hưu được quỹ BHXH chi trả suốt đời

Chia sẻ thông tin sơ bộ về hệ thống hưu trí tại Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (BHXH Việt Nam) Nguyễn Khang cho biết, hệ thống hưu trí của Việt Nam gồm 2 loại hình: Hưu trí bắt buộc và hưu trí tự nguyện, được hình thành dựa trên sự đóng góp của người tham gia (chủ sử dụng lao động, NLĐ) và được quỹ BHXH chi trả suốt đời. Mức hưởng lương hưu được tính theo tỉ lệ hưởng và mức lương đóng BHXH bình quân; tỉ lệ hưởng ở mức tối đa là 75%.

Ông Nguyễn Khang cũng cho rằng, ưu điểm của hệ thống hưu trí Việt Nam là có sự cam kết mạnh mẽ của hệ thống chính trị, có hệ thống pháp luật tương đối ổn định, nền kinh tế tăng trưởng đều và bền vững, hệ thống BHXH rộng khắp, có khả năng ứng dụng CNTT cao. Tuy nhiên, tính tuân thủ tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức còn thấp; số người được hưởng lương hưu thấp (mới có khoảng gần 2,3 triệu người); tỉ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa cao và dài, trong khi tuổi thọ của người nghỉ hưu ngày một tăng cao; số tiền tuyệt đối đóng vào quỹ BHXH không cao do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chỉ chiếm khoảng 60% thu nhập thực tế;… chính là những thách thức đặt ra với hệ thống hưu trí Việt Nam.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; đến năm 2030, tất cả NCT từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH của Nhà nước sẽ được hưởng trợ cấp xã hội, ông Nguyễn Khang cho rằng, chúng ta phải thực hiện được một số giải pháp cơ bản như: Hướng đến phát triển hệ thống BHXH đa tầng (lương hưu, BHXH bắt buộc, BHXH bổ sung, BHXH tự nguyện); mở rộng đối tượng tham gia, đặc biệt là NLĐ ở khu vực phi chính thức và lao động nữ; điều chỉnh chính sách đảm bảo cân đối quỹ BHXH dài hạn, bền vững; ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý hướng đến sự chuyên nghiệp, hiện đại và sự hài lòng của DN và người tham gia.

Ông Josef Pilger - Chuyên gia trưởng Dịch vụ Hưu trí toàn cầu Ernst&Young - cùng nhận định với chuyên gia của BHXH Việt Nam khi cho rằng, mức độ cam kết tham gia của người sử dụng lao động với chế độ hưu trí nói riêng hay chính sách BHXH nói chung của Việt Nam còn thấp; tuổi nghỉ hưu thấp; công tác dự báo và đầu tư quỹ còn hạn chế do phải đặt tính an toàn của quỹ BHXH lên hàng đầu. Theo đó, ông Josef Pilger khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc thấu đáo một số nội dung trọng tâm trước khi tiến hành cải cách như: Tầm nhìn và chiến lược của Việt Nam về chế độ hưu trí và an sinh xã hội phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế; tính cấp thiết mang tính quyết định việc thực hiện cải cách hưu trí và an sinh xã hội; các biện pháp chủ chốt; những tác động liên quan nếu có;…

Kết luận hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương khẳng định, chính sách BHXH nói chung và chính sách hưu trí nói riêng cần tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn