MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Chiến binh” áo xanh lặng lẽ làm sạch phố phường ngày giãn cách

Minh Phương LDO | 09/08/2021 19:02
Trong những ngày giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thế nhưng, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn gom rác, làm sạch phố phường mùa giãn cách.

Loại việc không thể "nghỉ giãn cách, làm ở nhà"

Công việc gom rác vốn đã vất vả, nặng nhọc nay lại càng khó khăn hơn khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Chị Nguyễn Thị Hường - 40 tuổi, công nhân môi trường Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho hay, những ngày qua thành phố giãn cách, cuộc sống những người công nhân vệ sinh như chị Hường không tránh khỏi khó khăn.

Đẩy xe rác về khu tập kết, chị Hường đang chuẩn bị cho chuyến gom rác thứ hai trong ngày.

Với số tiền lương gần 5 triệu đồng mỗi tháng, chị Hường phải chi ly cẩn thận để vừa có tiền sinh hoạt, vừa có tiền nuôi 2 con ăn học và mua sữa cho đứa con út chưa tròn một tuổi.

Chồng chị làm bảo vệ cho nhà hàng ăn, từ khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP. Hà Nội tạm thời đóng cửa để phòng dịch nên chồng chị Hường phải nghỉ việc.

Chị Hường bảo, chị em công nhân hay nói đùa với nhau, chẳng nghề nào khổ hơn nghề thu gom rác. Ngày nào cũng làm bạn với rác... Nhưng chính nghề nhọc nhằn này giúp các chị có tiền nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình.

Trên đường Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Vinh (55 tuổi, quê Phú Thọ) lọt thỏm giữa hai chiếc xe rác. Bà Vinh nhanh nhảu nắm lấy xe rác rồi đẩy chúng vào lề đường. Tranh thủ nghỉ tay, bà Vinh nói, bà đến với nghề lao công hơn 10 năm nay, bất kể thời tiết nắng hay mưa bà đều ra đường gom rác.

Bà Vinh đẩy xe rác trên đường Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội).

Ca làm việc của bà bắt đầu từ 19 giờ tối cho đến 2 giờ sáng hôm sau. Thời gian giãn cách mọi người hạn chế ra đường, bà và đồng nghiệp luôn trực chiến trên mọi nẻo đường thu gom rác.

Giãn cách xã hội, người dân ở nhà nhiều nên rác trong các khu dân cư nhiều hơn. Nếu trước đây một tối bà Vinh gom 6 xe rác thì những ngày này bà phải gom 7-8 xe mới xong.

Thời gian giãn cách, đường phố vắng vẻ hơn, công nhân vệ sinh môi trường không khỏi lo lắng trước những nguy hiểm luôn rình rập như trộm cắp, xe phóng nhanh.

Đảm bảo an toàn trong mùa dịch

Đi làm trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, bà Vinh luôn phải cẩn thận để đảm bảo an toàn cho bản thân. Mỗi khi đẩy xe rác vào trong các khu ngõ, bà đều mang theo một lọ sát khuẩn nhỏ trong túi áo, khi nào nghỉ tay thì sát khuẩn, phòng chống dịch bệnh.

"Nhiều khi gom rác thấy những chiếc khẩu trang đã sử dụng vứt bừa bãi, tôi phải lấy kẹp rồi gắp riêng cho vào túi ni lông. Chẳng may dùng tay nhặt rồi nhiễm bệnh nguy hiểm lắm" - bà Vinh chia sẻ.

Bà Đỗ Thị Lâm (60 tuổi, công nhân vệ sinh khu vực Mỹ Đình) chia sẻ, nghề gom rác, dọn vệ sinh phải làm việc ngoài trời cả ngày nên vất vả là chuyện đương nhiên. Mùa hè nóng cháy da vẫn phải ra đường quét rác, còn mùa đông lạnh buốt chân tay vẫn oằn mình giữa trời.

Ngoài quần áo, găng tay bảo hộ, khẩu trang, bà Lâm trang bị thêm kính chắn giọt bắn khi đi làm.

Công việc vốn đã vất vả, trong thời điểm dịch bệnh lại càng thêm nguy hiểm. Ngoài quần áo, ủng, gang tay bảo hộ, bà Lâm còn trang bị thêm kính chắn giọt bắn, khẩu trang để đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

“Dịch COVID-19 bùng phát, công nhân vệ sinh như tôi rất lo lắng. Bởi, tính chất công việc phải tiếp xúc với nhiều rác thải, trong khi không thể biết được loại rác không chứa mầm bệnh. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, suốt quá trình thu gom rác, tôi luôn đeo khẩu trang và sát khuẩn tay cẩn thận" - bà Lâm nói.

Công nhân đeo khẩu trang và bao tay 24/24 nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Trong quá trình làm việc, được biết, bà Lâm cũng được công ty trang bị đồ bảo hộ lao động để công nhân yên tâm làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn