MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (ngoài cùng bên trái)- hướng dẫn Tổ an toàn COVID-19. Ảnh: CĐHN

Chính sách đối với cán bộ Công đoàn cơ sở chưa thực sự thỏa đáng

Linh Nguyên LDO | 12/06/2021 08:30
Chính sách đối với cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) chưa thực sự thỏa đáng, chưa thực sự tạo động lực để thu hút cán bộ có trình độ, năng lực tham gia hoạt động Công đoàn (CĐ) - đó là một trong những thực trạng công tác cán bộ CĐ Thủ đô được đưa ra tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp công tác cán bộ CĐ Thủ đô trong tình hình mới” do LĐLĐ Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 11.6.

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội.

Cán bộ CĐ phải là trung tâm của đoàn kết

Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của đội ngũ cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung, TS Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội nhắc tới quan điểm cán bộ CĐ phải là trung tâm của đoàn kết.

Ông Thường phân tích thông qua phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ nhiều cán bộ CĐ trưởng thành và được bổ nhiệm, quy hoạch ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo chuyên môn trong các cơ quan, đơn vị... Do đó vai trò của tổ chức CĐ trong nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được khẳng định, công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động được nâng lên, đi vào thực chất, hiệu quả.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Bí thư Quận ủy Cầu Giấy - cho biết trên địa bàn quận Chủ tịch CĐCS 90% là cán bộ chủ chốt của đơn vị; có 95 người tham gia cấp ủy tại 104 tổ chức cơ sở Đảng vì vậy hoạt động CĐ và phong trào CNVCLĐ quận đã phát huy được hiệu quả, thường xuyên đề xuất các chương trình giám sát, đối thoại với cấp ủy chính quyền; đóng góp ý kiến vào các chương trình, nghị quyết của cấp ủy, chiến lược phát triển của doanh nghiệp, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Theo bà Hoa, để CĐ thực sự là trung tâm đoàn kết, giáo dục CNVCLĐ, luôn thực hiện tốt các chức năng cơ bản của mình, thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ là yếu tố cơ bản quyết định bảo đảm cho tổ chức CĐ thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình.

Tăng cường biệt phái cán bộ LĐLĐ Thành phố làm việc tại CĐ cấp huyện

Tại Hội thảo, các đại biểu thẳng thắn thảo luận thực trạng của công tác cán bộ CĐ hiện nay. Đó là số lượng đoàn viên, số lượng CĐCS ngày càng tăng, nhiệm vụ ngày càng khó khăn, phức tạp trong khi biên chế cán bộ CĐ còn thiếu và ngày càng giảm nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho hoạt động của tổ chức CĐ trong tình hình mới... Công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ ở nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở còn hình thức, thiếu tính liên thông, thống nhất, phối hợp chặt chẽ của cấp ủy các cấp với Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố.

Bà Lê Thị Kim Điệp - Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm - cho rằng cần thực hiện có hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa quận, huyện, thị ủy với LĐLĐ thành phố về công tác cán bộ CĐ chuyên trách cấp huyện, gồm biên chế, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, kiện toàn các chức danh cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ CĐ cấp huyện... theo quy định về phân cấp cán bộ. Xây dựng, triển khai kế hoạch luân chuyển cán bộ CĐ (nguồn từ LĐLĐ thành phố, quận...); tăng cường biệt phái cán bộ LĐLĐ thành phố làm việc tại CĐ cấp huyện để hỗ trợ hoạt động CĐ cấp huyện, trực tiếp tham gia hoạt động tại CĐCS, nhằm nâng cao năng lực, trình độ, nắm tình hình thực tế tại cơ sở... giúp công tác tham mưu, chỉ đạo của LĐLĐ thành phố phù hợp, sát với thực tế cơ sở hơn.

Điều đáng nói là chính sách đối với cán bộ CĐCS chưa thực sự thỏa đáng, chưa thực sự tạo động lực để thu hút cán bộ có trình độ, năng lực tham gia hoạt động CĐ. Công tác luân chuyển cán bộ từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên thực hiện còn khó khăn (giữa LĐLĐ thành phố và các LĐLĐ quận, huyện, thị xã). Một số đơn vị còn tình trạng hẫng hụt cán bộ, chưa chuẩn bị kịp nguồn cán bộ để bổ sung. Vẫn theo bà Kim Điệp, công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ CĐ ở một số CĐCS khu vực ngoài nhà nước còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Chính sách đối với cán bộ CĐ ít được quan tâm đưa vào nội dung thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Một điểm đang được quan tâm là năng lực đội ngũ cán bộ CĐ chưa đồng đều, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng về nghiệp vụ công tác CĐ; trình độ chuyên môn hầu hết đều đại học trở lên nhưng số được đào tạo chính quy hoặc bồi dưỡng lý luận CĐ còn rất hạn chế, chủ yếu là cán bộ CĐ chuyên trách LĐLĐ thành phố và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở.

Về vấn đề đào tạo, TS Nguyễn Đức Tĩnh - Hiệu phó Trường Đại học Công đoàn - cho rằng cần xây dựng các quy định, quy chế khuyến khích ưu đãi đối với cán bộ CĐ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước được cử đi đào tạo, bồi dưỡng như được CĐ cấp triệu tập thanh toán tiền lưu trú, đi lại, ăn nghỉ, học phí, tài liệu.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật: Hà Nội là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước. Hà Nội có nhiều Khu công nghiệp, Khu chế xuất, có đông CNLĐ, đoàn viên CĐ, hoạt động CĐ Thủ đô có nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và thành tích chung của tổ chức CĐ cả nước. Do vậy công tác quy hoạch cán bộ CĐ Thủ đô rất cần mở rộng phát hiện nguồn cán bộ từ thực tiễn cấp dưới, chú ý cán bộ trưởng thành từ cơ sở,cán bộ xuất thân từ công nhân.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn