MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động xếp hàng, lấy số thứ tự vào làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội. Ảnh: Mạnh Dũng

Chính sách hỗ trợ về việc làm, thu nhập với công nhân

ANH THƯ LDO | 01/07/2020 11:38
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự. Thời điểm này, các chuyên gia cho rằng, những chính sách hỗ trợ về việc làm, thu nhập sẽ giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm tiếp cận việc làm mới để quay trở lại thị trường lao động.

Doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động

Sau thông tin Công ty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh) sẽ chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 2.786 công nhân (CN), ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - cho biết, dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ thị trường lao động (LĐ) ở nước ta. Hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó nhiều doanh nghiệp (DN) đã cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc trong thời gian qua. Bên cạnh đó, mỗi tháng, có khoảng 80.000 NLĐ quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, ông Trung nhận định, ảnh hưởng dịch COVID-19 đến thị trường LĐ ở nước ta còn kéo dài. “Không chỉ do thiếu nguyên liệu, không tiêu thụ được hàng hoá, mà nhiều DN thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng với thời kỳ mới. Vì vậy, thời gian tới đây, nhiều DN có thể sa thải số lượng NLĐ lớn, đặc biệt lĩnh vực gia công, dịch vụ, sản xuất theo chuỗi sẽ bị ảnh hưởng” - ông Trung nói.

Trước thực trạng trên, ông Trung cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nắm rõ tình hình biến động LĐ ở địa phương, đồng thời phân tích được nguyên nhân dẫn đến NLĐ bị sả thải, thậm chí kiểm soát việc trên. Những cơ quan này hướng dẫn DN làm đúng quy định pháp luật về LĐ. Bên cạnh đó, DN cần có phương án cụ thể sử dụng LĐ. Trên cơ sở phương án của các DN, cơ quan quản lý nhà nước cùng họ có phương án tối ưu nhất về sử dụng LĐ.

Trong trường hợp phải sa thải NLĐ, theo ông Trung, DN phải có kế hoạch, phối hợp Sở LĐTBXH, liên đoàn lao động, trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) trên địa bàn để giải quyết chế độ cho NLĐ.

Cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo TTDVVL cùng phối hợp tổ chức công đoàn nắm chắc số lượng NLĐ bị sa thải để có kế hoạch đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm. “Bên cạnh đó, NLĐ cần tìm hiểu quy định pháp luật giải quyết các chế độ khi thôi việc, chấm dứt HĐLĐ. NLĐ chủ động nghiên cứu thông tin thị trường LĐ ở địa phương phù hợp khả năng của mình. Nếu có việc làm, NLĐ nên xin việc ngay, hoặc tham gia các khoá học nghề để nâng cao trình độ” - ông Trung nói.

Gia tăng nộp hồ sơ hưởng BHTN

Cục Việc làm cho hay, 5 tháng đầu năm 2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là 432.420 người, tăng 28,7% cùng kỳ năm 2019. Số người quyết định hưởng TCTN là 343.376 người, tăng 18,7% so với cùng kì năm 2019.

Riêng ở Hà Nội, từ đầu năm đến hết ngày 18.6, TTDVVL Hà Nội đã tiếp nhận giải quyết cho 37.163 NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tỉ lệ nộp hồ sơ tăng 23,47%. Trong khuôn viên chật hẹp của TTDVVL Hà Nội tại phố Trung Kính (quận Cầu Giấy), ngay từ sáng sớm, nườm nượp NLĐ đến giải quyết thủ tục hưởng TCTN. Họ mong rằng trong thời gian thất nghiệp được nhận một khoản tiền hỗ trợ, trang trải cuộc sống và có cơ hội tư vấn, giới thiệu việc làm mới.

Anh L.A.H (huyện Đông Anh, Hà Nội) nói rằng: “Cách đây 1 tuần, tôi đến trung tâm nộp hồ sơ hưởng BHTN. Do số người đến nộp hồ sơ quá đông, cán bộ trung tâm có gửi lại cho tôi phiếu lịch hẹn giải quyết đến hôm nay. Trước đây, tôi làm nhân viên văn phòng tại khu vực Kim Mã. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty ít việc nên tôi xin nghỉ”.

Thời điểm này, TTDVVL Hà Nội đang trong “mùa” cao điểm tiếp nhận NLĐ đến giải quyết BHTN, trong đó, có 2.000-3.000 hồ sơ hưởng TCTN được nộp trong 1 ngày. Theo ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc TTDVVL Hà Nội, dịch COVID-19 đã tác động tới tình hình kinh tế, xã hội của thành phố, trong đó bao gồm cả thị trường LĐ. NLĐ nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm đang có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh này, ông Thảo cho rằng, các chính sách hỗ trợ việc làm và thu nhập cho NLĐ sẽ là những “liều thuốc” giúp họ vượt qua khó khăn. Ngoài nhận được số tiền TCTN, NLĐ tham gia BHTN sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện.

Giám đốc TTDVVL Hà Nội dự báo, ảnh hưởng dịch COVID-19 đến thị trường LĐ sẽ còn tiếp diễn và diễn ra mạnh mẽ trong quý II và kéo dài trong 6 tháng cuối năm. “Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm để NLĐ bị mất việc, ngừng việc, thiếu việc làm tìm công việc mới. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh mô hình gắn kết thực hiện chính sách BHTN với thông tin thị trường LĐ để hỗ trợ cho lực lượng LĐ hưởng trợ cấp được tư vấn việc làm, học nghề” - ông Thảo nói.

Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, 6 tháng đầu năm 2020 giải quyết việc làm cho 540.000 lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, trong đó tháng 6 giải quyết việc làm cho 120.000 lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn