MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân mất việc, giảm giờ làm, điểm mua bán thức ăn sáng cho công nhân cũng trở nên vắng vẻ. Ảnh: Phương Ngân

Chợ công nhân giảm 50% mãi lực vì làn sóng cắt giảm lao động

Phương Ngân LDO | 02/08/2023 12:41

Không chỉ nhà trọ vắng vẻ, mà các khu chợ phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống của công nhân tại TP Hồ Chí Minh cũng giảm 50 – 60% mãi lực vì làn sóng cắt giảm lao động kéo dài, công nhân bỏ về quê.

Làn sóng cắt giảm lao động kéo dài từ cuối năm 2022, không chỉ công nhân mất việc, mà nhiều ngành nghề khác, từ nhà trọ đến việc kinh doanh, buôn bán của những tiểu thương quanh khu công nghiệp, khu chế xuất cũng rơi vào tình cảnh khó khăn.

Tìm đến đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), những hàng quán trên tuyến đường này đã không còn đông đúc như trước, bởi nhiều công ty cắt giảm lao động, công nhân buộc phải về quê hoặc chuyển đi nơi khác.

Chị Nguyễn Thị Mai (một tiểu thương) cho biết, những gian hàng bán nhu yếu phẩm quanh khu vực đường Hồ Học Lãm chủ yếu bán cho công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng. Tuy nhiên, từ khi công ty này thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động thì việc kinh doanh của các gian hàng cũng ế ẩm theo.

Khu chợ cóc gần công ty PouYuen (Quận Bình Tân) cũng vắng khách. Ảnh: Phương Ngân

“Công nhân còn việc, có thu nhập thì nườm nượp khách, giờ công nhân mất việc làm, dọn về quê nên không còn đông người mua sắm như trước”, chị Mai thở dài.

Tương tự, các khu bán đồ ăn sáng cho công nhân gần các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP Thủ Đức cũng rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách. Tại điểm phục vụ thức ăn sáng cho công nhân trên địa bàn phường Linh Trung, TP Thủ Đức (gần khu chế xuất Linh Trung I) mãi lực cũng giảm sâu từ nhiều tháng nay.

Ông Hoàng Văn Điệp (bán cơm tấm) cho biết, nhiều tháng nay việc mua bán của ông gặp nhiều khó khăn, bởi điểm bán đồ ăn sáng này chủ yếu phục vụ cho công nhân tại khu chế xuất. Thế nhưng, nhiều tháng nay công nhân bị cắt giảm, giảm giờ làm, mãi lực cũng theo đó giảm 50 – 60%.

“Không biết công nhân đi đâu hết rồi, giờ người ăn chỉ còn thợ hồ, những người làm văn phòng…bán ế lắm”, ông Điệp cho hay.

Theo ông Điệp, trước đây công nhân làm nhiều, mỗi sáng ông chỉ bán đến 8h là hết cơm, nhưng hiện nay mặc dù đã giảm số lượng nhưng hơn 9h vẫn chưa bán hết.

Không riêng quán ăn, chợ tạm mà những chợ truyền thống gần khu công nghiệp, khu chế xuất cũng rơi vào cảnh tương tự.

Ông Đào Trọng Hoan - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Bình, TP Thủ Đức, cho biết, công nhân cũng là một lượng khách hàng lớn của chợ, tuy nhiên tình hình khó khăn họ phải thắt chặt chi tiêu, việc mua bán của các tiểu thương tại chợ cũng ế ẩm.

“Chợ bán ế do nhiều nguyên nhân, trong đó công nhân bị giảm thu nhập cũng là một phần lý do”, ông Hoan nói.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình lao động - việc làm 5 tháng đầu năm 2023, tính đến ngày 31.5, cả nước có 509.903 người lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn