MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chợ công nhân ở Cần Thơ vắng người mua

MỸ LY LDO | 01/10/2023 13:35

Để phục vụ nhu cầu của công nhân lao động, nhiều khu chợ công nhân đã mọc lên gần các Khu công nghiệp (KCN). Nhưng gần đây, thu nhập công nhân giảm sút do ít việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình buôn bán của các tiểu thương tại chợ.

Một thời "ngon - rẻ"

Thuận đường, giá rẻ… là một số lý do khiến không ít công nhân lao động chọn đi chợ công nhân gần các KCN. Chị Chưa (công nhân KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ) cho biết, sau khi tan ca, chị thường cùng một số đồng nghiệp ghé chợ công nhân mua thực phẩm vì tiện đường mà giá cả cũng phải chăng.

“Thay vì phải chạy vòng qua chợ truyền thống, tôi chọn đi chợ công nhân vì thuận đường về nhà. Tôi có thể tiết kiệm được ít tiền xăng. Tuy là chợ nhỏ nhưng có đầy đủ thực phẩm cần thiết cho người lao động và giá cả cũng rất vừa túi tiền”, chị Chưa nói.

Chợ công nhân vắng khách hơn do mọi người đều giảm chi tiêu. Ảnh: Mỹ Ly

Cứ khoảng 15h30 mỗi ngày, bà Khải (tiểu thương chợ công nhân gần KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ) lại tất bật dọn hàng để bán cho công nhân tan ca về. Theo bà Khải, khu chợ này buôn bán được phần lớn là nhờ công nhân lao động.

“Chợ này chủ yếu bán cho công nhân là chính. Mỗi khi tan ca rất nhiều công nhân ghé chợ mua sắm vì tiện đường. Hàng cá của tôi cũng đắt khách là nhờ vậy. Chưa hết, do là cá đồng nhà tự bắt nên giá bán có phần rẻ hơn chỗ mua đi bán lại. Đồng lương anh chị em công nhân không nhiều nên giá rẻ mà cá tươi ngon họ cũng thích mua hơn”, bà Khải cho biết.

Thấy nhiều người trong xóm chở hàng hóa ra chợ công nhân bán, ông Hùng (tiểu thương chợ công nhân gần KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ) cùng vợ cũng mang rau, củ đến đó. “Buổi sáng vợ chồng tôi bán ở chợ khác, chiều mới ra đây bán phụ thêm. Dù vậy, vẫn rất đông công nhân mua sắm”, ông Hùng nói.

Ông Hùng chia sẻ thêm, một phần vì khu chợ này tiện đường về nhà của nhiều công nhân, một phần vì giá cả. Bởi một số rau, củ được ông mua lại của người ta, một số do nhà trồng. Theo đó, loại nào nhà trồng thì giá rẻ hơn một chút. Hơn thế, những công nhân là khách quen mua nhiều còn được ông cho thêm một ít nên ai cũng thích ghé ủng hộ.

Sức mua giảm dần

Doanh nghiệp không tăng ca, công nhân ít việc dẫn đến thu nhập giảm sút. Theo đó, sức mua của họ tại các khu chợ công nhân cũng giảm đáng kể. Điều này khiến không ít tiểu thương lo lắng.

Nhìn công nhân đi chợ mỗi khi tan ca về ngày càng ít, bà Khải không khỏi sốt ruột. Nếu ngày trước, cá nhà bà bắt được đem ra bán chỉ một lúc là hết thì giờ chậm hơn rất nhiều. Bởi hàng hóa leo thang, trong khi thu nhập công nhân giảm nên ai cũng "tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy".

“Thu nhập giảm đi nên công nhân cũng ít mua sắm hơn. Nhờ cá đồng tự bắt nên tôi vẫn không tăng giá bán. Tuy vậy, anh chị em công nhân quen cũng 4-5 hôm mới ghé chỗ tôi mua cá, không còn thường xuyên như trước. Tình hình này nếu lên giá e là việc buôn bán còn ảm đạm hơn”, bà Khải chia sẻ.

Buôn bán ế ẩm từ chợ truyền thống đến chợ công nhân, ông Hùng ngao ngán: “Giờ bán ở đâu cũng chậm vì người tiêu dùng ai cũng mua sắm tiết kiệm hơn. Ở đây tôi bán dựa vào công nhân. Hồi đó anh chị em công nhân đi làm đều, tôi bán được lắm. Còn giờ nhiều khi 1 tuần làm có 3 ngày nên bán chậm hơn nhiều. Có khi bày hàng ra cả buổi mà chẳng thấy ai ghé mua”.

Cũng theo ông Hùng, buôn bán ế ẩm hiện là tình hình chung ở các khu chợ. Bởi kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh dẫn đến người tiêu dùng ai cũng cắt giảm chi tiêu chứ không chỉ riêng công nhân lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn