MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động cho mượn hồ sơ nhân thân hay mượn hồ sơ nhân thân của người khác để đi làm là vi phạm pháp luật và sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH. Ảnh minh họa: Nam Dương

Cho mượn hoặc mượn hồ sơ đi làm, nhiều công nhân bị “treo” quyền lợi BHXH

Nam Dương LDO | 02/03/2023 08:48
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, việc dùng thông tin cá nhân của người khác để đi làm là hành vi vi phạm pháp luật, hợp đồng lao động đã ký kết bị vô hiệu. Nhiều quyền lợi BHXH phát sinh của người mượn hoặc cho mượn hồ sơ phải chờ phán quyết của tòa án mới được giải quyết.

Nhiều người cho mượn hoặc mượn hồ sơ của người khác để đi làm

Mới đây, chị H.M.L (sinh năm 1975, quê ở tỉnh Cà Mau, hiện trú tại TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) sau một năm nghỉ việc đã đến cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận BHXH một lần, thì bị từ chối giải quyết quyền lợi. Lý do là thông tin cá nhân của chị H.M.L trên hệ thống của cơ quan BHXH thể hiện chị có thời gian bị đóng trùng BHXH tại 2 doanh nghiệp trong vòng 3 năm từ tháng 11.2009 đến tháng 11.2012. Chị H.M.L thừa nhận, từ tháng 11.2009, chị có cho bà N.T.B, sinh năm 1969 mượn hồ sơ cá nhân của mình, trong đó có CMND để xin vào làm việc tại Công ty BTV ở TP.Thủ Đức. Sau khi bà N.T.B ký hợp đồng lao động, Công ty BTV đã đóng BHXH cho bà N.T.B bằng thông tin nhân thân của chị H.M.L từ tháng 11.2009 đến khi nghỉ việc tháng 11.2012. Mọi việc chỉ trở lên phức tạp khi chị H.M.L đi nhận BHXH một lần và bị từ chối giải quyết do có thời gian đóng trùng như trên.

Tương tự, chị C.T.H.T (sinh 1993), quê ở Quảng Bình cũng cho em gái mình là chị C.T.H (sinh năm 1996) mượn hồ sơ trong đó có CMND để đi làm tại Công ty AT (Khu chế xuất Linh Trung 1, TP.Thủ Đức). Công ty AT sau đó cũng tham gia BHXH cho chị H. bằng thông tin cá nhân của chị T. trong thời gian từ tháng 8.2012 đến tháng 1.2015. Đến khi chị T đi làm hồ sơ nhận các chế độ BHXH, thì bị cơ quan BHXH từ chối giải quyết vì có thời gian đóng trùng BHXH. Ngược lại, chị H thì không được hưởng quyền lợi BHXH, vì hệ thống không ghi nhận chị đã tham gia BHXH trong thời gian trên, dù thực tế vẫn phải trừ tiền lương hàng tháng để đóng BHXH.

Luật sư Trần Phi Đại - trưởng một văn phòng luật sư tại TP.Thủ Đức, Đoàn luật sư TPHCM - cho biết, có rất nhiều người lao động vì lý do này, lý do khác đã cho người thân, bạn bè hay người quen mượn hồ sơ cá nhân của mình để đi làm mà không nghĩ đến hậu quả xảy ra. Theo quy định của pháp luật về BHXH, một người trong cùng một khoảng thời gian, chỉ được tham gia BHXH tại một doanh nghiệp. Tuy nhiên, do trước đây, hệ thống kiểm soát của cơ quan BHXH chưa được “số hóa” nên chưa kịp thời phát hiện việc một người cùng một lúc tham gia BHXH tại 2, thậm chí 3 doanh nghiệp. Vì thế, khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đóng BHXH, thì cơ quan BHXH vẫn thu BHXH theo quy định.

Mượn hay cho mượn hồ sơ để đi làm là vi phạm pháp luật

Từ khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 1.1.2021, thì hành vi mượn hồ sơ của người khác đi làm được xem là vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 thì “Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe…”. Do vi phạm nghĩa vụ trung thực theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 Bộ luật Lao động 2019 nên hợp đồng lao động của người lao động cung cấp thông tin không đúng sự thật bị coi là vô hiệu và thẩm quyền tuyên hợp đồng lao động vô hiệu là của tòa án.

Như vậy, để được giải quyết quyền lợi BHXH, thì những người lao động mượn hồ sơ của người khác đi làm phải khởi kiện ra tòa để tòa tuyên doanh nghiệp ký lại hợp đồng lao động với đúng thông tin về tên, tuổi, CMND của mình và làm cơ sở để cơ quan BHXH giải quyết quyền lợi. Ngược lại, người cho mượn hồ sơ cũng phải khởi kiện để tòa tuyên buộc cơ quan BHXH thoái thu cho thời gian đóng BHXH bị trùng do cho mượn hồ sơ. Trong khi đó, việc giải quyết những vụ kiện thế này lại rất mất thời gian.

Tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TPHCM về BHXH tổ chức ngày 28.2, vấn đề người lao động cho mượn hồ sơ hay mượn hồ sơ của người khác để đi làm đã được nhiều đại diện doanh nghiệp nêu ra. Theo bà Phan Thị Mai - Trưởng Phòng Quản lý thu - Sổ, Thẻ BHXH TPHCM - cho biết tình trạng người lao động cho mượn hồ sơ hay mượn hồ sơ của người khác để đi làm xảy ra khá nhiều và hiện nay cơ quan BHXH TPHCM đang phải tạm dừng giải quyết chế độ BHXH cho những trường hợp này để chờ kết quả phán quyết của tòa án mới có cơ sở giải quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn