MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần có hướng dẫn cụ thể để ngăn chặn và giải quyết tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc (ảnh minh hoạ). Ảnh: Internet

Chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Kiều Vũ LDO | 12/02/2022 11:13
Theo Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Hà Nội, dự kiến Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ được đưa vào sử dụng trong nửa đầu năm 2022.

Thể hiện cam kết 3 bên

Bộ Quy tắc ứng xử thể hiện cam kết ba bên: Chính phủ và các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, với mục đích nâng cao nhận thức về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hỗ trợ thực hiện các quy định có liên quan trong Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 145 ở cấp doanh nghiệp. Cùng với việc cập nhật Bộ Quy tắc ứng xử, cuốn Sổ tay hướng dẫn cũng đang trong quá trình xây dựng mới để giúp người sử dụng lao động giải quyết hành vi này. Sổ tay hướng dẫn cung cấp cho người sử dụng lao động và các bên tại nơi làm việc những hướng dẫn cụ thể để ngăn chặn và giải quyết tình trạng quấy rối tình dục trong thực tế nhằm tạo môi trường làm việc lành mạnh và năng suất.  

Bộ LĐTBXH là cơ quan chủ trì xây dựng hai cuốn tài liệu với sự tham gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng LĐLĐVN; ILO, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Fair Wear cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình soạn thảo. Vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc lần đầu tiên được quy định trong pháp luật trong Bộ luật Lao động 2012 nhưng không đưa ra định nghĩa và hướng dẫn về cách thức giải quyết vấn đề này. Trong bối cảnh đó, ILO tại Việt Nam đã hỗ trợ các đối tác ba bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục đầu tiên vào năm 2015 nhằm thu hẹp khoảng trống về pháp lý. Bộ luật Lao động 2019 là một bước tiến mới trong lĩnh vực này thông qua việc đưa ra định nghĩa rõ ràng về quấy rối tình dục tại nơi làm việc và Bộ Quy tắc ứng xử cập nhật cùng cuốn Sổ tay hướng dẫn mới sẽ tiếp nối, đưa ra hướng dẫn cụ thể cho quá trình thực hiện.

Người sử dụng lao động đóng vai trò then chốt

Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH, nhận định: Người sử dụng lao động đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và duy trì một môi trường làm việc không có quấy rối tình dục. Còn ông Nguyễn Ngọc Triệu, cán bộ chương trình cấp cao của ILO Việt Nam, cho biết việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử và sổ tay hướng dẫn là “một nỗ lực quan trọng” đưa Việt Nam tiến gần hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt là Công ước mới số 190 của ILO về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm. 

 Mới đây, trong buổi làm việc của Đoàn kiểm tra Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam với Tổng LĐLĐVN, Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị Bộ LĐTBXH, Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ Phụ nữ tiếp tục hướng dẫn nghiệp vụ, nội dung và hỗ trợ kinh phí truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; biên soạn cẩm nang tuyên truyền, hướng dẫn mô hình điểm về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong  CNVCLĐ đặc biệt là CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp. Hiện  có khoảng trên 4 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60% và chiếm tỉ lệ cao (70-80%) trong một số ngành nghề như dệt may, da giày, thủy sản, lắp ráp điện tử...Thời gian vừa qua, Tổng Liên đoàn đã tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung một số Luật, Nghị định,Thông tư… liên quan trực tiếp tới hoạt động CĐ, CNVCLĐ nói chung và nữ CNVCLĐ riêng, đặc biệt tham gia làm rõ các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn