MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hiền (bìa trái) và chị Dương luôn mong chờ lãnh đạo Công ty CP Dệt 19.5 Hà Nội Chi nhánh Hà Nam trả lương và đóng BHXH. Ảnh: Hà Anh

Chủ doanh nghiệp không thấu hiểu nỗi khổ của người lao động

Hà Anh LDO | 20/02/2023 09:19
“Mong ước lớn nhất của tôi lúc này là có tiền chữa bệnh cho con và trả nợ. Điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào ông Đỗ Văn Minh - Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội tại Hà Nam. Tuy nhiên, chủ sử dụng lao động không thấu hiểu nỗi khổ của NLĐ” - chị Trịnh Thị Thuỳ Dương - công nhân nhà máy dệt, Chi nhánh Cty CP Dệt 19.5 Hà Nội tại Hà Nam - đau xót nói.

Lãnh đạo công ty luôn thất hứa

Ngày 19.2, phản ánh với phóng viên Báo Lao Động, người lao động (NLĐ) của Chi nhánh Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội tại Hà Nam cho biết, trong các năm 2019-2020-2021, nửa đầu năm 2022 họ làm ra rất nhiều sản phẩm, hàng không bị tồn kho… nhưng lãnh đạo công ty không đóng BHXH, BHTN và nợ lương nhiều tháng dẫn đến việc NLĐ phải gửi “đơn kêu cứu” tới các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam và báo chí.

Bà Lê Thị Hiền - Chủ tịch công đoàn nhà máy dệt thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội tại Hà Nam - cho biết, NLĐ ở Hà Nam gắn bó với nhà máy rất nhiều năm - người nhiều nhất là 17 năm, cống hiến cả tuổi trẻ - nhưng đến hiện nay quyền lợi về lương, BHXH chưa được chủ doanh nghiệp trả theo cam kết.

“Ông Đỗ Văn Minh đã hứa rất nhiều, nhưng thất hứa cũng thật nhiều” - bà Hiền chua chát nói.

Bà Hiền dẫn chứng, trong Biên bản làm việc ngày 2.11.2022, giữa đại diện cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Hà Nam (Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, Phòng Lao động tiền lương và BHXH, Phòng quản lý doanh nghiệp, BHXH thị xã Duy Tiên), đại diện Công đoàn Dệt may Hà Nội, đại diện Chi nhánh Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội tại Hà Nam… ông Đỗ Văn Minh đưa ra lộ trình thanh toán lương, nợ BHXH và có phương án thanh toán nợ BHXH để chốt sổ BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. 

Theo đó, đến ngày 30.11.2022, công ty sẽ thanh toán hết lương từ tháng 7-10.2022 cho NLĐ nhà máy dệt và sợi; khối văn phòng sẽ được thanh toán hết lương trong tháng 12.2022. Về nợ BHXH, từ nay đến hết tháng 12.2022: Nộp hết năm 2019; trong quý I+II/2023: Nộp hết cho năm 2020; trong quý III và IV/2023: Nộp hết cho năm 2021 và năm 2022…

“NLĐ mòn mỏi đợi chờ đồng lương từ mồ hôi công sức của chúng tôi từng giờ nhưng chủ sử dụng lao động không thực hiện theo đúng cam kết. Trước Tết Nguyên đán Quý Mão, 66 NLĐ tại nhà máy dệt mới chỉ được nhận lương tháng 8.2022, công ty còn nợ lương các tháng 9-10-11.2022. Thật chua xót, đến 1 đồng tiền Tết chúng tôi cũng không được nhận từ công ty! Thấu hiểu hoàn cảnh của NLĐ, Công đoàn Dệt may Hà Nội đã đề xuất, LĐLĐ TP.Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ 195 NLĐ tại công ty, mỗi người 1 triệu đồng để chúng tôi vơi bớt khó khăn trong dịp Tết. Chúng tôi rất biết ơn tổ chức công đoàn” - bà Hiền xúc động nói.

Mong công ty trả nợ lương để có tiền trả nợ khám bệnh cho con

Đó là nguyện vọng của chị Trịnh Thị Thuỳ Dương (SN 1985, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) - công nhân nhà máy dệt, Chi nhánh Công ty CP Dệt 19.5 Hà Nội tại Hà Nam - người mà bà Hiền “đánh giá” là NLĐ khổ nhất công ty.

Được biết, chồng chị Dương mất năm 2019, để lại cho chị 3 con đang độ tuổi ăn học. 4 miệng ăn, sinh hoạt gia đình đều trông vào đồng lương. Do hưởng lương theo sản phẩm nên thu nhập của chị Dương rất “phập phù”, tháng nhiều sản phẩm được khoảng 6 triệu đồng, tháng ít sản phẩm được hơn 4 triệu đồng. Với đồng lương thấp, cuộc sống của 4 mẹ con chị Dương gặp muôn vàn khó khăn khi vắng bóng người chồng, người cha!

Chiều 19.2, trao đổi với phóng viên, chị Dương rơm rớm nước mắt, nói: “Tôi gắn bó 17 năm với nhà máy dệt, nhưng lãnh đạo công ty đối xử với NLĐ theo kiểu “vắt chanh, bỏ vỏ”. Những năm trước đây, khi công ty gặp khó khăn, ông Đỗ Văn Minh luôn gặp gỡ, động viên NLĐ gắn bó cùng doanh nghiệp, chúng tôi đã đồng hành cùng công ty vượt khó, ra sức lao động… Nhưng, NLĐ lại bị lãnh đạo công ty đối xử ngược lại: Chúng tôi bị nợ lương nhiều tháng, nợ BHXH (từ năm 2019). Quá khó khăn, tôi đã làm đơn gửi lãnh đạo đề nghị được chấm dứt hợp đồng lao động, đóng BHXH để tôi tìm việc làm tại công ty khác kiếm tiền nuôi con, nhưng ông Minh không giải quyết. Cuộc sống của tôi rất bức bối, thiếu thốn đủ đường. Dịp Tết vừa qua, do không có lương, thưởng Tết nên tôi phải đi vay tiền để lo cái Tết cho 4 mẹ con. Đặc biệt ngày 28 Tết, con tôi bị đi viện để chữa bệnh, nhưng do không có tiền nên tôi phải muối mặt tiếp tục đi vay”.

Do không được chốt sổ BHXH nên chị Dương không thể ký hợp đồng tại công ty khác, dẫn tới chị phải đi làm thời vụ, đi bán xôi thuê, phụ hồ... với mức thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày.

Vừa đi làm kiếm tiền nuôi con và trả nợ, chị Dương cùng các đồng nghiệp trong nhà máy dệt tranh thủ ngày không có việc để đi kêu cứu khắp nơi!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn