MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn chủ hộ kinh doanh cá thế bị thu sai bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn đang mòn mỏi chờ nhận lương hưu. Ảnh: Nguyễn Tùng

Chủ hộ kinh doanh bị thu sai Bảo hiểm xã hội: Từ hy vọng đến thất vọng

Nguyễn Tùng LDO | 21/07/2023 13:40

Đã gần 2 tháng kể từ ngày 3 phương án xử lý việc thu sai Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với hàng nghìn chủ hộ kinh doanh được đưa ra, niềm tin le lói nhanh chóng bị lụi tàn, từ hy vọng nhiều người đã chuyển sang thất vọng khi vụ việc dường như đang có dấu hiệu bị "chìm".

Từ hy vọng đến thất vọng

Giữa cái nắng nóng cuối tháng 7.2023, bà Hứa Thị Mai (thị trấn Sơn Dương, Tuyên Quang) vẫn đang vật lộn với nỗi đau thể xác sau mỗi lần truyền hoá chất điều trị căn bệnh ung thu buồng trứng đã di căn sang đại tràng. Bà Mai là một trong số hơn 870 trường hợp chủ hộ kinh doanh tại tỉnh Tuyên Quang bị thu sai BHXH bắt buộc.

Trao đổi với PV, bà Mai cho biết, nghĩ đến việc tham gia BHXH 17 năm nhưng lúc ốm đau này không có lấy một đồng lương hưu mà buồn. 4 năm vừa rồi, qua hơn 40 lần truyền hoá chất, cắt 1 phần đại tràng tốn kém tiền tỉ nhưng chủ yếu là tiền đi vay mượn.

"Trước thì hi vọng được nhận lương nhưng giờ không dám hi vọng nữa, chỉ mong được hoàn lại số tiền hơn 100 triệu đã đóng BHXH kèm theo lãi ngân hàng để phụ vào việc chữa bệnh. Tôi còn sống được bao lâu nữa mà mong chờ lương hưu" - bà Mai nói trong đau đớn.

Còn bà Lê Thị Hà (phường An Tường, TP Tuyên Quang) tin rằng chỉ ít ngày nữa, mình sẽ được hưởng lương hưu sau khi Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đưa ra 3 phương án để giải quyết việc thu sai BHXH.

Thế nhưng niềm tin cứ rơi rụng dần và thay vào đó là sự thất vọng khi đến nay (21.7) đã gần 2 tháng sau khi Bộ trưởng trả lời, bà Hà vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào.

This browser does not support the video element.

Nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể ở Tuyên Quang bị thu sai BHXH bắt buộc đang bức xúc vì vụ việc chưa được giải quyết.

"Cũng biết việc giải quyết chế độ, chính sách thì không nhanh nhưng ít ra sau khi có 3 phương án trước Quốc hội như thế thì BHXH Việt Nam cũng phải có văn bản gửi tới chúng tôi, vừa là để trấn an, vừa là để thông báo rõ lộ trình giải quyết vụ việc.

Họ làm việc thế này thực sự rất tắc trách, bởi chính BHXH Việt Nam là đơn vị gây ra việc này, đáng lẽ họ phải quyết liệt mà đề nghị, xin ý kiến các cơ quan cao hơn để giải quyết cho người dân" - bà Hà lo lắng xen lẫn bức xúc.

Lo sẽ bị "chìm xuồng"

Cuối năm 2022, phiên toà xử vụ việc ông Nguyễn Việt Lâm (phường Ỷ La, TP Tuyên Quang) kiện BHXH Tuyên Quang diễn ra được hơn 1 giờ thì bị tạm hoãn và không đưa ra được bản án. Giữa tháng 6 vừa rồi, phiên toà tưởng chừng được xử tiếp nhưng lại tiếp tục phải hoãn vì thiếu đại diện của BHXH Việt Nam.

"Tôi đang mất niềm tin vào cơ quan chức năng. Tôi đã phải đi vay mượn gần 300 triệu đồng đóng nốt 5 năm cho đủ 20 năm BHXH để được hưởng lương hưu mà bây giờ phải chờ đợi trong lo lắng thế này" - ông Lâm cho hay.

Trong số hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH bắt buộc sai quy định, tỉnh Tuyên Quang chiếm nhiều nhất với 870 trường hợp, phần lớn đều đã đóng đủ 20 năm. Ảnh: Nguyễn Tùng

Tại cuộc gặp mặt mới đây, ông Lâm và hàng chục chủ hộ kinh doanh cá thể bị thu sai BHXH bắt buộc, đều chung lo lắng rằng vụ việc của mình sẽ bị chìm đi sau khi những tuyên bố được đưa ra chỉ nhằm mục đích trấn an.

Ông Lâm bức xúc: "Rõ ràng là vụ việc của chúng tôi đang bị chìm xuống rồi chứ không phải là cảm giác hay nghi ngờ gì nữa. Cứ nhì nhằng mãi thế này rất mệt mỏi, chúng tôi già rồi, sống được bao lâu nữa mà đợi chờ".

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6.6.2023 (Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV), Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đưa ra 3 phương án đối với vụ việc hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH bắt buộc.

Thứ nhất, Bộ LĐTBXH đề xuất và tới đây nếu được Quốc hội cho phép thì chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Thứ hai là những trường hợp không muốn hoặc không có nhu cầu thì có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện.

Trường hợp xấu nhất mà cả NLĐ lẫn cơ quan không đồng ý thì phải thoái thu, trả lại quyền lợi cho NLĐ và tính lãi như thế nào thì chí ít cũng phải tính bằng tăng trưởng mà Quỹ bảo hiểm đã và đang sử dụng để tăng trưởng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: "Quan điểm của cá nhân tôi là phải đặt quyền lợi, lợi ích của NLĐ lên hàng đầu, nên khuyến khích và điều chỉnh chính sách để chuyển sang bảo hiểm bắt buộc là tốt nhất cho NLĐ để đảm bảo về già có lương hưu và có cuộc sống ổn định".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn