MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải phát biểu tại buổi tọa đàm.Ảnh: SƠN TÙNG

Chủ tịch công đoàn cơ sở phải là người “đứng mũi chịu sào”

QUẾ CHI - HÀ ANH LDO | 22/01/2018 10:00
Làm cách nào để CĐCS nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ, từ đó đưa vào TƯLĐTT các nội dung sát với thực tiễn, có lợi hơn so với quy định của pháp luật là một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại buổi Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thương lượng tập thể và đối thoại tại DN do Tổng LĐLĐVN tổ chức chiều 20.1.

Thăm nhà trọ, nắm tâm tư công nhân

Đồng chí Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐ Cty Taekwang Vina Industrial (Đồng Nai) - chia sẻ, Cty có 35.000 NLĐ, nên để lấy thông tin từ đoàn viên CĐ, NLĐ, ngoài “kênh” từ các tổ trưởng CĐ, thùng thư góp ý thì CĐ còn nắm bắt tâm tư bằng cách tiếp cận NLĐ hằng ngày. CĐCS có 18 người, mỗi ngày một cán bộ CĐ tiếp cận 10 công nhân một ngày thì CĐ đã có thể có được tới 180 thông tin.

Bên cạnh đó, Chủ tịch CĐ chủ trì họp mặt tọa đàm trực tiếp với các đại biểu công nhân hằng tuần; họp với CĐ bộ phận để giải đáp các thắc mắc của NLĐ. Đặc biệt, với đặc trưng 60% số NLĐ là người nhập cư, nên hằng tuần, CĐ Cty tổ chức các buổi thăm công nhân nhà trọ. Các buổi “vi hành” này có sự tham gia của giám đốc Cty.

“Hoạt động này thắt chặt tình cảm giữa NLĐ, tổ chức CĐ, lãnh đạo Cty. Công nhân không còn ngại ngần, không dám nói như trong các cuộc họp mà trải lòng mình về những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của họ. Nhờ vậy, lãnh đạo Cty biết được thực tế đời sống của công nhân, từ đó quá trình thương lượng TƯLĐTT sẽ dễ dàng hơn” - đồng chí Đinh Sỹ Phúc cho hay.

Đồng chí Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) - chia sẻ thông tin về việc khảo sát đời sống của công nhân qua thực tế sinh hoạt hằng ngày. Ví như một NLĐ độc thân sẽ sinh sống, chi tiêu như thế nào? Khi có con phải chi tiêu ra sao (?) để từ đó đề xuất chủ DN hỗ trợ cho công nhân về tiền lương, về chế độ phúc lợi.

Chủ tịch CĐ Cty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh) Hồ Sỹ Lĩnh cho rằng, CĐ thu thập thông tin qua mạng lưới tổ trưởng CĐ tại từng cụm sản xuất là phương pháp sát sao nhất với nguyện vọng của NLĐ, vì chính họ là người chứng kiến, hiểu được rõ nhất suy nghĩ của NLĐ. Bên cạnh đó, CĐ mở các hòm thư tại các khu vực để công nhân góp ý. Do đó đại đa số các nội dung CĐ đưa vào đàm phán TƯLĐTT đều xuất phát từ chính tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa - Chủ tịch CĐ Cty LIHIT LAB.Việt Nam (Hưng Yên) - cho hay, hằng tháng, CĐ Cty lấy ý kiến của công nhân và phân thành các nhóm: Tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. CĐ cũng thu thập thông tin từ các DN khác trong KCN để chọn lọc áp dụng cho Cty. Khi có đầy đủ thông tin, CĐ sẽ đưa ra 5 mức để tổ chức đối thoại, thương lượng.

CĐ cấp trên cơ sở cần “tiếp lửa”

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính nhận định, đối với thương lượng TƯLĐTT, nếu cứ khoán trắng cho CĐCS, đặc biệt là trong khu vực ngoài nhà nước sẽ không bao giờ có bản TƯLĐTT thực chất.

“Bởi lẽ Chủ tịch CĐCS đa phần kiêm nhiệm, do NSDLĐ trả lương nên gặp rất nhiều sức ép, rất khó đưa ra những nội dung có lợi cho NLĐ. Trong thương lượng, Chủ tịch CĐCS có bản lĩnh, kỹ năng là chưa đủ, mà cần phải có sự hỗ trợ, tư vấn của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở” - ông Mai Đức Chính lý giải. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, luật sẽ quy định cụ thể vai trò của CĐ cấp trên cơ sở trong thương lượng TƯLĐTT.

Với 170 CĐCS, bà Phạm Thị Hằng - Chủ tịch CĐ Khu kinh tế Hải Phòng - cho biết, hoạt động trọng tâm của CĐCS là thương lượng, đối thoại. “Để hỗ trợ những CĐCS mới thành lập, do Chủ tịch CĐCS chưa có kỹ năng, kinh nghiệm, nên chúng tôi hỗ trợ ngay từ bước đầu tiên; hỗ trợ về quy trình lấy ý kiến tập thể, nội dung đối thoại, biểu mẫu áp dụng".

Còn đối với những CĐCS đã từng tiến hành thương lượng TƯLĐTT, CĐ Khu kinh tế tập trung hỗ trợ về kỹ năng thương lượng, hỗ trợ về pháp luật lao động; chia sẻ thông tin về nội dung TƯLĐTT của các DN khác.

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải nhấn mạnh, việc chăm lo, đại diện, bảo về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ là nhiệm vụ sống còn của tổ chức CĐ và Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục đầu tư, tập trung chỉ đạo trong thời gian tới. Các cấp CĐ cần nhận thức sâu sắc và có các giải pháp đột phá để triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương lớn này.

Để mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLĐ, người cán bộ CĐ cần phải là thủ lĩnh của CNLĐ, đặc biệt Chủ tịch CĐCS phải là người “đúng mũi chịu sào”, thể hiện được mình là người đại diện cho số đông, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đòi hỏi Chủ tịch CĐCS phải nắm rõ kiến thức pháp luật, có bản lĩnh, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, nhất là phải nắm bắt thật rõ tâm tư, tình cảm, đời sống của NLĐ để trong quá trình thương lượng và đối thoại đưa ra những đề xuất phản ánh đúng thực tế của NLĐ với NSDLĐ.

“Để có lực lượng cán bộ CĐCS có bản lĩnh, trí tuệ, tinh thông nghiệp vụ thì CĐ cấp trên cơ sở cần tổ chức đào tạo về kỹ năng thương lượng, đối thoại, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ CĐ, ngoại ngữ cho cán bộ cấp dưới, đặc biệt là phải hỗ trợ, bảo vệ Chủ tịch CĐCS mỗi khi họ cần” - Phó Chủ tịch Trần Thanh Hải chỉ đạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn