MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà trọ Kim Anh chưa tăng giá điện cho công nhân, người lao động. Ảnh: Đình Trọng

Chủ trọ chia sẻ với công nhân khi giá điện tăng

Đình Trọng LDO | 15/11/2023 15:12

Trước việc tăng giá điện, nhiều chủ trọ dù gặp khó khăn nhưng cố gắng không tăng giá, bớt phần nào gánh nặng cho người lao động.

Thu nhập giảm, giá điện tăng

Tỉnh Bình Dương tập trung khoảng 1,3 triệu lao động, đa số ở trọ. Trước thông tin giá điện lại tăng, nhiều công nhân lao động không khỏi lo lắng.

Vợ chồng chị Đào (32 tuổi, quê Kiên Giang, ở trọ tại phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một) cho biết, mỗi tháng đang trả trên 300.000 đồng tiền điện.

“Mỗi tháng thuê trọ, tiền điện nước của vợ chồng tôi dao động từ 1,6-1,7 triệu đồng. Trong đó tiền điện tháng nào cũng đóng khoảng 300.000 đồng. Chủ nhà trọ thu mỗi kWh là 3.000 đồng, chúng tôi sử dụng trung bình một tháng khoảng 100kWh. Tôi thất nghiệp mấy tháng nay, trang trải của cả gia đình trông chờ vào tiền lương của chồng làm tài xế. Tôi lo giá điện tăng thì lại thêm gánh nặng chi tiêu” - chị Đào chia sẻ.

Tại TP Thuận An, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhàn (sinh năm 1991, quê Quảng Nam, đang ở khu nhà trọ tại khu phố 3, phường An Phú) cũng đang đóng tiền điện với giá 3.000 đồng/kWh. Trung bình một tháng, gia đình chị sử dụng khoảng 250kWh, tương đương 750.000 đồng.

“Phòng trọ của tôi có 1 máy điều hòa nhiệt độ, 3 quạt, 1 tivi, 1 máy giặt, bóng điện. Muốn tiết kiệm nhưng năm nay nắng nóng ngột ngạt quá, đi làm về mệt mỏi nếu không có máy điều hòa thì không ngủ nổi. Hơn nữa các cháu còn nhỏ, không có máy điều hòa thì nóng bức, chúng quấy khóc. Mỗi tháng, tiền thuê nhà và điện nước hết 2,6 triệu đồng. Mình lo giá điện tăng, các mặt hàng khác cũng tăng theo. Trong khi đó, việc làm và thu nhập năm nay giảm sút, lao động xa quê sẽ gặp thêm nhiều khó khăn...” - chị Nhàn chia sẻ.

Chủ trọ chia sẻ với công nhân

Khu dân cư VietSing, phường An Phú, TP Thuận An là nơi tập trung nhiều nhà trọ có đông công nhân lao động ở và nhiều người kinh doanh nhà trọ.

Chị Phạm Thị Tình (chủ dãy trọ trên đường D21, Khu dân cư VietSing) cho biết, nhiều năm nay không tăng giá tiền điện. Tuy nhiên năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tăng giá điện 2 lần liên tiếp khiến chủ trọ cũng chịu áp lực.

“Giá điện tăng những người kinh doanh nhà trọ cũng áp lực lắm. Tôi đau đầu khi cứ suy nghĩ có nên điều chỉnh tăng giá tiền điện hay không? Kinh tế suy giảm, chủ trọ khó mà người lao động cũng khó. Năm nay, khu này công nhân bị giảm giờ làm, giảm thu nhập sâu. Nhiều người còn bị mất việc làm thời gian dài, phải bỏ về quê. Bây giờ không tăng giá điện thì chủ trọ thiệt. Trong khi đó, nếu tăng giá điện thì thương công nhân lao động. Họ đi làm xa quê, cái gì cũng phải trả tiền, nếu tăng, họ sẽ phải thêm chi phí” - chị Tình bày tỏ.

Bà Thái Kim Anh (chủ nhà trọ Kim Anh, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một) cho biết, hiện cơ quan điện lực vẫn chưa thông báo điều chỉnh giá điện, nhà trọ vẫn đang thu mức 3.500 đồng/kWh.

“Gia đình tôi không kiếm lời trên tiền điện của người ở trọ. Nhà nước thu từ 3.000-3.200 đồng/kWh điện kinh doanh. Gia đình tôi phải đầu tư dây điện, đồng hồ cho mỗi phòng trọ, điện bơm nước, điện thắp sáng cho nhà trọ... rồi tiền sửa chữa thay các thiết bị. Vì vậy gia đình tôi thu 3.500 đồng/kWh. Chúng tôi chỉ thu hộ cho công ty điện lực, chứ không lấy lời từ tiền điện. Trường hợp, công ty điện lực báo tăng giá điện, thì buộc chúng tôi cũng phải thu tăng, chứ không giảm được” - bà Kim An chia sẻ.

Chị Phạm Thị Luyến (chủ nhà trọ ở phường Thuận Giao, TP Thuận An) cho biết: “Hiện giờ công nhân lao động quá khó khăn. Nhiều mặt hàng đã tăng giá, trong đó có giá gạo. Bây giờ nếu mình tăng tiền điện nữa chắc công nhân khó sống. Từ năm 2016 đến nay mình không tăng giá phòng trọ. Gia đình mình cũng đã bàn tính quyết định không thu thêm tiền điện của người lao động trong lúc này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn