MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đa số công nhân mong muốn được các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện để mua được nhà. Ảnh: Nguyễn Linh

Chủ trương rõ ràng, công nhân Đà Nẵng vẫn khó mua nhà ở xã hội

Nguyễn Linh LDO | 07/08/2023 11:44

Dù thu nhập thấp, có nhiều chi phí cần trang trải nhưng phần lớn công nhân Đà Nẵng vẫn mong được hỗ trợ nhiều hơn để có thể mua nhà, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, mong ước này không dễ thành hiện thực do nguồn cung nhà ở xã hội còn ít.

Vay mượn gia đình để mua nhà

Chị Nguyễn Thị Trang (quê huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) đang ở trọ trên đường Lê Công Kiều (TP Đà Nẵng), phòng diện tích 20m2, giá hơn 1,5 triệu đồng/tháng.

Vợ chồng chị Trang cùng làm công nhân tại một công ty thuộc khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), có con nhỏ đang theo học tại trường tiểu học trên địa bàn. “Gia đình vừa mua một căn nhà ở xã hội cho công nhân tại khu công nghiệp Hòa Khánh, diện tích gần 70m2. Căn nhà hiện đang trong quá trình hoàn thiện” - chị Trang nói.

Mỗi tháng, nếu được tăng ca, vợ chồng chị Trang thu nhập trên 12 triệu đồng. Tiền thuê nhà, ăn uống, lo học cho con chiếm gần hết lương nên cũng không dư dả nhiều. Để mua nhà ở xã hội, vợ chồng chị vay mượn từ hai bên gia đình và Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Cũng thuê trọ ở gần khu công nghiệp Hòa Khánh, vợ chồng chị Võ Minh Lan (sinh năm 1999, có hộ khẩu ở Đà Nẵng) cùng làm công nhân trong một công ty may mặc tại KCN Hòa Khánh. Họ có 1 con nhỏ chưa được một tuổi. Vợ chồng chị Lan bắt đầu nghĩ đến việc tích góp để mua nhà, không muốn phụ thuộc vào bố mẹ.

Chị Lan cho biết, ở gần khu vực vợ chồng chị sinh sống có rất nhiều công nhân tìm hiểu, hỏi thăm về nhà ở xã hội. Đa số công nhân mong muốn được các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện để mua được nhà, yên tâm làm việc lo cho con cái học hành.

Chuyển đổi công năng, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho công nhân

Theo thống kê chưa đầy đủ từ LĐLĐ TP Đà Nẵng, tính đến tháng 4.2023, TP Đà Nẵng có hơn 27.000 lao động ngoại tỉnh và lượng lớn lao động nước ngoài đang làm việc trong các KCN.

Theo khảo sát mới nhất về nhu cầu của công nhân tại các KCN do LĐLĐ TP Đà Nẵng thực hiện, dự báo số công nhân có nhu cầu về nhà ở đến năm 2030 là 62.433 người.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng giữa năm 2023 vào ngày 18.7 vừa qua, ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết, thành phố đã đầu tư ngân sách để xây dựng, đưa vào sử dụng 12.320 căn hộ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, trên tổng số 15.000 căn hộ của cả nước, chiếm khoảng 82%.

Hiện tại, đối với dự án nhà ở xã hội sử dụng ngân sách Nhà nước, Đà Nẵng đã hoàn thành 39 dự án chung cư với 10.579 căn hộ, 2 dự án ký túc xá và hiện đang thực hiện chuyển đổi công năng của khu ký túc xá tập trung phía Tây thành phố và khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh sang nhà ở xã hội cho công nhân quy mô 728 phòng.

Đối với nhà ở xã hội có vốn ngoài Nhà nước, đã triển khai 9 dự án với 7.511 căn hộ. Riêng dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp đã hoàn thành 950/1.496 nhà ở xã hội.

Theo ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - hiện nay ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã triển khai gói cho vay vốn mua nhà ở xã hội với 80% giá trị hợp đồng và thời gian vay không quá 25 năm với lãi suất 4,8%/năm.

“Đây là một trong những ưu đãi mà Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho những hộ nghèo, hộ khó khăn, đặc biệt là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP Đà Nẵng” - ông Phong nói.

Chính sách ưu tiên cho CNLĐ, người thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội tương đối rõ ràng, cụ thể. Thế nhưng, với thực tế tình hình việc làm, thu nhập hiện nay, việc tiếp cận, mua được nhà ở của công nhân còn nhiều gian nan...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn