MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có thẻ BHYT, người bệnh giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh. Ảnh: K.N

“Chưa đến 1 triệu đồng cho cả năm sức khỏe là quá lời!”

KHÁNH NINH LDO | 27/07/2019 07:30

Dù được tuyên truyền nhiều về lợi ích của BHYT nhưng nhiều gia đình vẫn từ chối tham gia BHYT. Chỉ đến khi bệnh nặng, gặp tai nạn bất ngờ, họ mới thấy tiếc nuối.

Tiếc 3 triệu đồng, mất chục triệu đồng!

Gia đình chị Ngọc Lan (ngụ quận 12, TPHCM) có 6 thành viên. Hai vợ chồng chị buôn bán nhỏ ở chợ, ngoài người con lớn đi làm công nhân được công ty tham gia BHYT, chị và hai người con còn lại đều không có BHYT. Mặc dù chị được cán bộ phường và nhân viên BHXH tuyên truyền nhiều lần từ nói chuyện trực tiếp đến phát tờ rơi, dẫn chứng cụ thể về lợi ích của BHYT, chị vẫn từ chối tham gia. Lý do chị đưa ra là cả nhà đều đang ở tuổi lao động, chưa thấy ai bệnh tật gì cả.

Ngay cả con gái lớn của chị, đi làm công nhân, hàng tháng bị công ty trích lương tham gia BHYT cũng hiếm khi thấy dùng đến. Nếu có đau đầu, sổ mũi ra hiệu thuốc, bỏ ra chục nghìn đồng là xong. Hơn nữa, theo chị Lan, nếu cả nhà chị cùng tham gia BHYT cũng phải gần 3 triệu đồng/năm. Đối với chị Lan, số tiền đó là “quá lớn”!

“Ông bà mình nói đâu có sai “Không ốm không đau làm giàu mấy chốc”. Một đợt ốm của chồng mà thu nhập cả tháng của gia đình tôi hết sạch. Chồng tôi bị đau ruột thừa nhưng chủ quan không đi bệnh viện, ở nhà xoa dầu, uống lá này lá kia. Đến khi đi viện thì chỗ viêm đã làm mủ, vỡ ra. May mà bác sĩ xử lý kịp nếu không thì…”, chị Lan thở dài.

Những ngày chồng nằm viện, nhìn những người cùng phòng bệnh có BHYT, họ đóng tạm ứng ít hơn, khi ra viện còn được trả lại hơn một nửa tiền, chị mới thấy mình dại. Sau đợt bệnh của chồng, chị chủ động ra phường đăng ký mua BHYT cho tất cả thành viên trong gia đình.

Cũng từ chối mua BHYT vì nghĩ cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh, chỉ đến khi chồng bị tai nạn bất ngờ, chị Thúy (quận Tân Bình, TPHCM) mới hối hận. Chị buôn bán nhỏ, chồng chở hàng thuê. Một lần bốc hàng bị sảy tay, khối hàng nặng đè lên người làm chồng chị gãy xương sườn, gãy tay, điều trị dài ngày. Chị tiếc nuối: “Nếu lúc trước tôi chịu mua BHYT thì tiền viện phí của chồng tôi đã có quỹ khám chữa bệnh BHYT chi trả phần nào, tôi sẽ không phải chật vật vì nợ nần như bây giờ”.

Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT được nâng cao

Chị Đức Hạnh (quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ, làm giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, thu nhập tương đối cao nhưng chị vẫn mua BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình. Chị lý giải: “Dù mình có mua bảo hiểm thương mại rồi vẫn phải “lận lưng” cái BHYT vì khi nhập viện là có dùng ngay. Khi khỏe thì không nói gì, chứ bệnh đau biết bao nhiêu tiền mới đủ. Trong khi muốn bảo hiểm thương mại thanh toán viện phí còn phải đủ các loại thủ tục. Đã vậy, khi mua họ xem xét sức khỏe rất kỹ, có vấn đề là họ loại ngay. Còn BHYT thì khác, chưa đến 1 triệu đồng cho cả năm sức khỏe là quá lời”.

Thông tin từ cơ quan BHXH TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, số người BHYT tại đơn vị này đã tăng đáng kể. Tính đến ngày 30.6.2019, số người tham gia BHYT toàn thành phố là 7.169.877 người, tăng 5.48% so với cùng kỳ năm 2018 (trong đó số người tham gia BHYT hộ gia đình là 1.850.000 người), tỉ lệ bao phủ BHYT đạt 85.93%.

Bên cạnh đó, theo cơ quan BHXH TPHCM, từ ngày 1.7.2019, quyền lợi khi khám chữa bệnh BHYT của người dân cũng được tăng lên. Cụ thể: Người có thẻ đi khám, chữa bệnh đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 223.500 đồng tương đương 15% mức lương cơ sở, không phải thực hiện cùng chi trả. Mức chi trả tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ cao, chi phí lớn của một số đối tượng theo quy định là 67.050.000 đồng tương đương 45 tháng lương cơ sở. Mức cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở là 8.940.000 đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn