MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên lễ tân kiểm tra thân nhiệt cho khách Nga tại một khách sạn ở Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Nhiệt Băng

Chưa thống kê đủ con số thực về lao động mất việc do ảnh hưởng COVID-19

Nhiệt Băng LDO | 29/02/2020 13:25

LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa cho biết, không hiểu vì lý do gì, một số doanh nghiệp lại "né" khai báo con số thực người lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khi LĐLĐ tỉnh đến làm việc, nắm tình hình.

Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi Khánh Hòa được công bố hết dịch COVID-19, Công đoàn tỉnh Khánh Hòa sẽ đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai 2 vấn đề chính.

Đó là vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tùy vào tình hình ổn định kinh doanh đón khách, tiến hành tiếp nhận lại người lao động mất việc trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. "Có thể nói đây là việc làm đương nhiên để ổn định kinh doanh" - ông Hòa cho hay.

Thứ 2 là chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục nắm tình hình người lao động tại doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 trong môi trường làm việc, không lơ là, chủ quan để đảm bảo an toàn sức khỏe tuyệt đối cho người lao động. 

Theo ông Hòa, trong thời gian Khánh Hòa công bố dịch COVID-19, các doanh nghiệp chủ yếu khai báo cho người lao động nghỉ phép, nghỉ bù, nghỉ luân phiên do lúc ế khách, còn về số lao động thực bị cho thôi việc doanh nghiệp lại khai báo rất ít. 

Chia sẻ về thực trạng này, ông Bùi Đăng Thành - Trưởng Ban chính sách - pháp luật (LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa) nói: "Trong thời gian Khánh Hòa ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng tôi đã tiến hành làm việc với các doanh nghiệp để nắm tình hình người lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chỉ nói miệng là cắt giảm người lao động, cho nghỉ bù, còn đề nghị cung cấp con số cụ thể thì họ lại né tránh. Chúng tôi không biết họ giấu con số để làm gì". 

Theo đánh giá của ông Thành, các khách sạn 3 sao thì chủ sử dụng lao động khai báo, còn các khách sạn 4-5 sao lại không chịu công khai cụ thể tình hình lao động. "Chúng tôi đề nghị báo con số thực để các cơ quan, trong đó có LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đề xuất hỗ trợ thì họ lại bảo tình hình chung nó vậy" - ông Thành chia sẻ. 

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Dương Thanh Phương - Giám đốc điều hành khách sạn Vesna (Nha Trang) cho biết, dù vừa qua dịch bệnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng khách sạn không sa thải nhân viên mà chỉ là giảm công.

"Nhiều người xin nghỉ không lương hay vì lý do gì thì danh sách lao động vẫn thế. Thực ra, điều mà doanh nghiệp lo lắng là sau khi ổn định tình hình đón khách mà người lao động lại không muốn làm nữa, còn doanh nghiệp chúng tôi thì luôn chào đón" - ông Phương nói và chia sẻ dù sao đội ngũ này vẫn đã được đào tạo quen với công việc rồi, nên không có lý do gì phải sa thải họ, ngược lại phải tìm cách giữ chân người lao động là đằng khác. 

Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa - cho biết: "Việc khai báo lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có gì đâu mà lại giấu đi chứ. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp du lịch không thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa nên tôi phải nắm lại thông tin này" - ông Vinh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn