MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Thương mong mỏi sẽ sớm được tăng lương tối thiểu. Ảnh: Lan Phương

Chưa thống nhất thời điểm và mức tăng lương tối thiểu

LƯƠNG HẠNH - LAN PHƯƠNG LDO | 01/11/2023 07:13

Xây dựng hệ thống tiền lương phải gắn với mức sống, phản ánh cung - cầu lao động, kích thích lao động. Khi mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu, người lao động mới yên tâm cống hiến mà không phải làm nhiều việc cùng lúc.

Tăng càng sớm càng tốt

Bà Nguyễn Thị Hà (48 tuổi, ngụ tại quận Long Biên, Hà Nội) làm công nhân vệ sinh đã hơn chục năm. Từ năm 2016, bà Hà chuyển về làm tại một công ty tư nhân chuyên dịch vụ làm sạch. Hiện, mức lương của bà Hà là 4.280.000 đồng/tháng.

Bà Hà kể, công việc của bà tuy là lao động chân tay nhưng cũng có áp lực nhất định. Nếu để xảy ra sơ suất dù rất nhỏ cũng sẽ bị trừ vào tiền lương, mỗi lần từ 150.000 - 200.000 đồng, thậm chí nhiều hơn.

Chồng bà Hà hiện đã về hưu, thu nhập của hai vợ chồng được khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Để trả chi phí sinh hoạt gia đình và đóng học phí cho 2 con, một cháu học lớp 9, một cháu học lớp 11, bà Hà phải làm thêm nhiều công việc khác. Mỗi ngày, bà bắt đầu làm công việc công nhân vệ sinh môi trường từ 5h30. Hết ca, bà lại làm công nhân may thời vụ. Mỗi cuối tuần, bà làm tạp vụ, dọn dẹp ở một trung tâm tiếng Anh.

“Người lao động nào cũng đều mong ngóng mỗi đợt tăng lương. Tháng 7.2023, tôi nghe nhầm thông tin được lên lương, chờ mòn mỏi. Nhưng hoá ra chỉ có những người làm trong khu vực Nhà nước mới được, còn người lao động như chúng tôi thì chưa. Tôi mong tăng lương tối thiểu cho người lao động càng sớm càng tốt” - bà Hà tâm sự.

Anh Phạm Minh Thương (26 tuổi) làm công nhân một công ty dệt may tại Hưng Yên từ năm 2017. Gia đình anh Thương ở trọ tại phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mỗi ngày, anh Thương di chuyển bằng xe ôtô của công ty từ Hà Nội về Hưng Yên đi làm.

Kết hôn từ năm 2022, đến nay vợ chồng anh mới đón con đầu lòng. Vợ anh về quê để nghỉ thai sản, có bố mẹ chăm nom. Với tiền lương chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng (đã trừ khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội), anh Thương phải dùng để trả nhiều khoản chi trong gia đình.

“Những năm trước, công nhân dệt may được làm thêm giờ, tăng ca thì lương của tôi được tầm chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên năm nay ít việc, tôi không được làm thêm cuối tuần nên thu nhập bị giảm nhiều. Cũng may là doanh nghiệp vẫn cố gắng chi trả mức lương cố định cho công nhân. Tất cả công nhân đều mong mức lương tối thiểu càng sớm càng tốt để đảm bảo chi tiêu cuộc sống gia đình” - anh Thương kiến nghị.

Lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu

Trước đó, vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.

Tại phiên họp này, mặc dù đại diện các bên liên quan đều thống nhất cần tăng lương tối thiểu vùng, song chưa thống nhất được thời điểm và mức tăng.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa tìm được tiếng nói chung, Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định tạm thời chưa chốt thời gian phiên họp thứ 2 để bàn lương tối thiểu vùng năm 2024.

Theo ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - Quý IV, Hội đồng mới họp bàn phương án, sau đó khuyến nghị Chính phủ thì chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào 1.1.2024. Thời điểm tăng lương tối thiểu, Hội đồng cũng chưa thể xác định được.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, xây dựng hệ thống tiền lương phải gắn với mức sống, phản ánh cung - cầu lao động, kích thích lao động. Lương của người lao động phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn