MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân được lấy mẫu để đi xét nghiệm COVID-19. Ảnh công nhân cung cấp

Chuẩn bị Tết cho công nhân trong khu cách ly ở Hải Dương

ANH THƯ LDO | 07/02/2021 07:21

Tại khu cách ly tập trung, nhắc đến con cái đang ở quê nhà, một nữ công nhân Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam (Cty Poyun- trụ sở ở Khu công nghiệp Cộng Hoà, TP.Chí Linh, Hải Dương) đã nghẹn lại. Tự trấn an bản thân, nữ công nhân phải kìm lại những trống vắng trong lòng để tuân thủ cách ly, phòng chống dịch khi công ty xuất hiện người mắc COVID-19.

Cả gia đình phải cách xa, mỗi người cách ly mỗi ngả

6 tháng làm việc tại Cty Poyun, công nhân Lê Thị Nguyệt (24 tuổi) không ngờ mình phải đối mặt với những ngày tháng cả gia đình phải cách xa, mỗi người cách ly mỗi ngả. Sau khi Bộ Y tế công bố của bệnh nhân 1552 - nữ công nhân 34 tuổi làm việc cùng công ty - là ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, công ty Poyun bỗng chốc trở thành ổ dịch phức tạp. Mọi hoạt động sản xuất tạm dừng, công ty bị phong toả và có đến 2.300 công nhân phải lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện cách ly tập trung.

Tối 27.1, khi mọi người nhốn nháo trước thông tin chị N.T.G (ở xã Hưng Đạo) được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đến Nhật Bản xuất khẩu lao động và từng là công nhân công ty, chị Nguyệt vẫn còn quây quần bên gia đình. Sáng hôm sau, chị vẫn đến công ty làm việc như bao ngày thường khác.

Sau khi được thông báo chính thức có công nhân làm việc tại công ty là F0, chị Nguyệt kể: “Dịch COVID-19 đang ở rất gần mình rồi, nên không ai muốn làm việc vì trong đầu luôn lo sợ mình có thể bị mắc mà không hề hay biết”.

Sau đó không lâu, cơ quan chức năng đến công ty tiến hành lấy mẫu máu, dịch hầu, họng cho từng người đi xét nghiệm. Phải đến tối muộn, việc lấy mẫu này mới được tiến hành hoàn tất. “Nghe công ty thông báo công nhân phải thực hiện cách ly tại đây cho đến khi có kết quả, tôi gọi điện cho em gái ở nhà sắp xếp đồ đạc cho cả 2 vợ chồng vì cùng làm công ty. Sau đó bố tôi là người đi xe máy mang lên. Gặp bố nhận đồ một cách chóng vánh rồi tôi cũng vào luôn và có gì cần thiết sẽ dặn dò qua điện thoại sau” - chị Nguyệt nói.

Những công nhân bị mắc COVID-19 thì đã được cơ quan chức năng đưa đi cách ly tại các cơ sở y tế. Trong công ty lúc này còn hơn 2.000 công nhân đang thực hiện cách ly tại nhà máy được đưa đi cách ly tập trung tại sáu cơ sở trong TP.Chí Linh.

Ngay trong tối 29.1, chị Nguyệt là một trong những công nhân bước lên xe y tế cuối cùng rời công ty đến Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Canada, còn chồng chị do làm bộ phận kiểm hàng gần phòng cắt-nơi xác định bệnh nhân 1552 làm việc nên phải thực hiện cách ly y tế ở Bệnh viện Đa khoa TP.Chí Linh.

Ít hôm sau, nơi ở của gia đình (ở phường Văn Đức, TP.Chí Linh) mà chị vẫn hằng ngày trở về sau mỗi ngày làm việc mệt nhoài cũng bị phong toả do có người bị mắc COVID-19. Ở nhà, có ông bà nội đang trông nom hai con chị Nguyệt (4 tuổi và hơn 1 tuổi), trong đó một cháu còn chưa cai sữa mẹ. Gia đình có 4 người nhưng phải thực hiện cách ly tại 3 nơi.

Mỗi lần liên hệ với gia đình, nỗi nhớ con trong chị lại nhân lên gấp bội. Cháu bé hơn 1 tuổi đòi mẹ bế qua cuộc gọi bằng video điện thoại, khiến chị quặn lòng.

“Mọi thứ bây giờ ổn rồi”

“Tất cả mọi thứ bây giờ thì ổn rồi” - anh Nguyễn Đức Tùng (Kim Thành - Hải Dương) - phòng thiết bị - thở phào khi thực hiện cách ly tập trung tại Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Canada. Cách trụ sở công ty chừng 3km, đây là nơi cách ly tập trung đón số lượng công nhân lớn nhất với hơn 900 người. Vốn là trường học cũ, được chia làm 2 khu là khu ký túc và khu làm việc. Nên khu làm việc thiếu thốn vật dụng như không có giường, chưa có hệ thống nước lên tầng 2, 3, nhiều phòng còn chưa có điện.

Vốn làm bộ phận kỹ thuật công ty, sau khi nhận phòng xong xuôi, anh Tùng cùng những người khác có kinh nghiệm đi lắp điện, mang ánh sáng đến phòng ở.

Cuộc sống trong khu cách ly của anh Tùng cũng như hàng trăm công nhân khác được đo thân nhiệt 2 lần/ngày, ăn 3 bữa được chia nhỏ giờ để tránh tập trung đông người một lúc. Trong những lúc rảnh rỗi, nhiều người vẫn duy trì thói quen thể dục, nhưng luôn đảm bảo giãn cách.

Cũng có hai con nhỏ 3 tuổi và 1 tuổi, anh Tùng nói: “Nhớ lắm, ngày nào cũng gọi điện thoại bằng video về mấy lần. Hôm qua mấy anh em tự cắt tóc cho nhau, bé hỏi tóc ba đâu hết rồi, ba trêu lại con chuột nó cắp đi hết rồi thì con bé mới yên không đòi ba”.

Những khoảng trống tình cảm cha con-vợ chồng với anh Tùng lúc này sẽ được bù đắp sau. Giờ đây, anh Tùng cho biết: “Mong mình không bị làm sao, nếu không con cái và gia đình ở quê nhà cũng phải cách ly theo”.

Chị Lê Thị Hường - Chủ tịch Công đoàn Công ty - cũng thuộc diện cách ly cùng hàng nghìn công nhân khác. Ngoài đảm bảo việc cách ly đúng quy định của mình, chị Hường còn bao quát thêm tình hình của công nhân tại đây. Hễ ai thiếu thốn chăn, nước sát khuẩn, xà phòng, tư trang cá nhân… chị Hường sẽ thông báo để công ty hỗ trợ cung cấp cho mọi người.

“Riêng công ty đã hỗ trợ cho mỗi công nhân tiền điện thoại là 300.000 đồng và chuyển tiền thưởng Tết Âm lịch theo quy định đến mỗi công nhân. Riêng với công đoàn tiếp tục hỗ trợ 200.000 đồng/công nhân tiền điện thoại và phần quà dự kiến 200.000 đồng”- chị Hường nói về những hỗ trợ kịp thời với công nhân lúc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn