MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện tại Cao Bằng đã giảm sâu sau khi mức chuẩn nghèo vùng nông thông thay đổi. Ảnh: Tân Văn

Chuẩn nghèo nâng lên, tỉ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện giảm xuống

Tân Văn LDO | 05/06/2024 07:00

Từ một tỉnh có tỉ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện dẫn đầu cả nước, sau năm 2022, tại Cao Bằng, số người tham gia liên tục giảm sâu.

Từ tỉnh top đầu về tỉ lệ người dân tham gia BHXH

Tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, theo đó người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ số tiền đóng.

Chính sách này đã có tác động tích cực đến tình hình phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Vì người tham gia an tâm, tin tưởng hơn khi có sự “đồng hành” của Nhà nước.

Thông tin từ BHXH tỉnh Cao Bằng, tính đến hết năm 2021 số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh là 18.149 người, tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi, cao hơn 4% so với chỉ tiêu giai đoạn đến 2021.
Cao Bằng cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu về tỉ lệ tham gia BHXH tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi và dân số.

Tuy nhiên, khi Nghị định số 07/2021/NĐ-CP (1.1.2022) mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng (mức cũ là 700.000 đồng/tháng), mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng hơn 2 lần, trong khi phần lớn người tham gia BHXH tự nguyện là người dân có mức sống trung bình thấp.

Con số mới nhất mà BHXH Cao Bằng cập nhật, đến hết năm 2023 số người tham gia BHXH tự nguyện là 17.051 người, giảm trên 1.000 người so với trước khi thay đổi mức chuẩn nghèo. Việc thu nhập của người dân còn thấp nên việc tham gia hay duy trì đóng tiền hằng tháng rất khó.

Những con số liên tục giảm sâu

Bà Nguyễn Thị Hà (trú xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc) - cho hay: “Là lao động tự do nên tôi cũng muốn tham gia BHXH, tuy nhiên, việc mỗi tháng phải bỏ ra 1,5 triệu đồng khiến tôi chật vật, công việc không ổn định nên biết lấy đâu ra”.

Với đặc thù một tỉnh có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống trên địa bàn, mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng, mức thu nhập lại chưa cao nên trong thời gian tới BHXH tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục làm mới cách vận động tuyên truyền người dân tham gia.

“Biết là tham gia bảo hiểm sau này về già sẽ được hưởng lương, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cho con cái, nhưng bây giờ đóng phí cao quá khiến tôi khó duy trì” - bà Chảo Mùi Bằng (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) nói.

Được biết, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH nhiều năm qua được BHXH tỉnh Cao Bằng thực hiện nhiều biện pháp triển khai. Từ tuyên truyền bằng chữ viết như tờ rơi, pano, áp phích... tới mọi người, đặc biệt là những đồng bào thiểu số. Song song với đó, việc tiếp cận trực tiếp từng người, từng hộ dân cũng được thực hiện.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Cao Bằng còn xây dựng, chuyển thể các nội dung tuyên truyền thành những câu chuyện truyền thanh hay kịch ngắn, chuyển cho các xã phát trên hệ thống truyền thanh của từng xóm, bản bằng nhiều thứ tiếng đồng bào thiểu số. Nhờ hình thức sân khấu hóa, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm trở nên gần gũi, dễ hiểu đã tiếp cận và thấm sâu hơn đối với người dân vùng cao. Người dân hiểu được giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT trong an sinh xã hội.

Tuy nhiên, rào cản tài chính đang tạo nên bức tường ngăn vô hình giữa người dân và bảo hiểm xã hội. Nhiều người dân tại tỉnh Cao Bằng mong mỏi, Chính phủ sẽ sớm xem xét lại quy định mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn để có thể xây dựng những cơ chế đặc thù giúp người dân được tiếp cận BHXH bền vững hơn.

BHXH là chính sách ưu việt, dù vậy, tại nhiều vùng núi hay các tỉnh biên giới việc chính sách thay đổi sẽ tạo nhiều biến động đang vô tình tạo áp lực, khi người dân muốn tham gia BHXH.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn