MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để giảm bớt chi tiêu, anh chị em công nhân hái rau, củ trong vườn tại trạm lưu trú. Ảnh: Lâm Thảo

Chúng tôi đi “đòi lương” cho công nhân thuỷ nông

Việt Lâm - Tất Thảo LDO | 14/08/2021 13:19

“Qua những bài viết, Báo Lao Động đã thông tin đầy đủ sự việc chúng tôi bị chậm lương 3 tháng qua. Điều này đã có tác động không nhỏ tới các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội. Hôm nay, tôi đã nhận được lương tháng 5-6.2021 - đây là tiền mồ hôi, công sức của tôi trong thời gian qua. Việc nhận được lương sẽ giúp gia đình bớt khó khăn, đặt biệt trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn khó lường” - anh Bùi Doãn Thắng, một công nhân thuỷ nông được nhận lương không giấu được xúc động - chia sẻ.

Niềm vui của những công nhân thuỷ nông

Khi nghe được thông tin hàng nghìn công nhân thuỷ nông - sau nhiều ngày lên tiếng kêu cứu - sắp nhận được những đồng tiền lương mặn chát mồ hôi của mình, chúng tôi rất muốn xuống tận nơi làm việc của họ một lần nữa để chia sẻ niềm vui này. Một niềm vui đáng lẽ sẽ không bao giờ “phải” xảy ra nếu như họ được trả lương đầy đủ, đúng hạn.

Tuy nhiên, do Hà Nội đang giãn cách để phòng chống dịch COVID-19 nên chúng tôi đành huỷ bỏ kế hoạch. Chúng tôi đành cảm nhận niềm vui chân chất của công nhân thuỷ nông qua những hình ảnh, video quay được lúc họ nhận lương. Những hình ảnh không đúng khuôn hình, những video “rung” bần bật gửi đến lúc họ cầm trên tay những đồng tiền mồ hôi khiến chúng tôi thật sự xúc động.

Qua video, có lẽ được quay từ chiến điện thoại rẻ tiền, anh Bùi Doãn Thắng, một công nhân thuỷ nông được nhận lương không giấu được xúc động. Cầm trên tay hơn 9,8 triệu đồng tiền lương 2 tháng - mà anh nói thật lòng là ít khi anh được cầm một lúc trên tay số tiền nhiều như vậy - anh Thắng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Báo Lao Động.

Tuy vui cùng anh Thắng, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy buồn, vì biết, anh Thắng cũng như nhiều công nhân thuỷ nông khác sẽ không thể cầm về nhà trọn vẹn số tiền này để lo cho cuộc sống. Có người phải ngay lập tức đi trả nợ các khoản mà họ buộc phải vay trước đó để trang trải lúc trong túi không còn một đồng nào do bị nợ lương. Có người thậm chí còn… âm tiền sau khi trả nợ.

“Sau khi trả nợ, còn dư tôi sẽ dùng số tiền này để mua đồ ăn cho cả nhà. Thời gian vừa qua, do bị nợ lương nên tôi rất ít khi đi mua thịt cá. Hôm nay, tôi sẽ mua một bữa “ra trò” để cải thiện cho cả nhà” - anh Thắng cười vui vẻ.

Xuống với công nhân

Nhìn những nụ cười vui vẻ của các công nhân thuỷ nông - chúng tôi cảm thấy vui lây. Vui vì việc làm của mình, những bài báo của mình đã góp phần “đòi tiền” cho họ. Chúng tôi nhớ lại ngày nhận được thông tin kêu cứu của công nhân gửi đến Báo. Đọc những dòng chữ mộc mạc, chân chất, thậm chí có chỗ còn sai chính tả, chúng tôi biết họ đang cần sự hỗ trợ, chung vai đến nhường nào. Chúng tôi chỉ nghĩ, nếu mình bị nợ lương 1 tháng đã khó khăn rồi, huống với công nhân - vốn cuộc sống đã khó khăn, thiếu thốn - lại bị nợ những 3 tháng lương, trong khi dịch COVID-19 hoành hành thì không biết họ sẽ sống ra sao?

Bằng nhiều cách, chúng tôi liên hệ được với ông Phạm Xuân Chinh - Đội phó Đội thuỷ nông số 4, Xí nghiệp Đầu tư Phát triển Thủy lợi Đan Hoài (Công ty sông Đáy). Ông Chinh cho biết, mặc dù quyền và lợi ích của mình bị thiệt thòi, nhưng nhiều người không “dám” lên tiếng, sợ bị ảnh hưởng.

“Tôi đã có gần 40 năm làm việc trong ngành thủy lợi, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng chưa từng thấy khoảng thời gian nào công nhân ngành thuỷ lợi chúng tôi khổ cực như trong thời gian từ năm 2016 đến nay: Liên tục bị nợ lương, nợ BHXH dẫn đến cuộc sống vô vàn khó khăn! Tôi sẵn sàng lên tiếng, phản ánh với Báo Lao Động. Bởi tôi tin rằng, với những bài viết trung thực, khách quan, phản ánh đúng sự thật của Báo Lao Động sẽ có tác động lớn tới các cấp chính quyền TP.Hà Nội” - ông Chinh khảng khái cho biết .

Sau khi liên hệ được với ông Chinh, chúng tôi tìm ngay xuống Đội thủy nông số 4 ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Lúc này, một nhóm công nhân đang chuẩn bị đi vớt rác ở kênh. Lúc đầu, tôi nghĩ việc dọn rác này khá đơn giản, trực tiếp mới thấy công việc này... khủng khiếp đến như vậy. Nói khủng khiếp là vì rác ở đây đủ loại như: Xác động vật, nội tạng động vật, phân người… với dòi bọ, ruồi nhặng nhung nhúc.

Đứng ghi lại hình ảnh công nhân dọn rác một lúc mà chúng tôi cảm thấy đầu óc quay cuồng. Mùi xú uế bốc lên khiến chúng tôi phải bịt chặt mũi, mồm mới chịu nổi. Vậy mà, những công nhân thuỷ nông này phải làm những công việc này thường xuyên.

Sau khi ghi lại những hình ảnh chân thực nhất của công nhân thuỷ nông giữa bốn bề rác, chúng tôi trở về trạm lưu trú của Đội Thuỷ nông số 4 để ghi nhận những ý kiến của những công nhân thuỷ nông ở đây. Hoá ra, để bớt đi phần nào khó khăn, những công nhân ở đây còn trồng rau, nuôi lợn...

Từ phản ánh của công nhân, chúng tôi đã “gõ cửa” Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy; Chi cục Thuỷ lợi Hà Nội… để tìm câu trả lời, không để câu chuyện nợ lương này lặp lại...

Rất nhiều bạn đọc đã tìm đến Báo Lao Động, mong muốn được Báo lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của mình. Không phụ niềm tin ấy, dù là một dòng tin ngắn ngủi hay email đôi dòng, phóng viên Báo Lao Động đã nhanh chóng vào cuộc để rồi từ những tìm hiểu, phản ánh, nhiều công nhân đã đòi được quyền lợi của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn