MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường (thứ nhất từ phải sang) trực tiếp trao quà hỗ trợ cho gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại khu nhà trọ. Ảnh: Mai Quý

Chương trình hành động hay đến đâu cũng không bằng một việc làm cụ thể

Linh Nguyên LDO | 19/05/2021 15:50

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của hàng ngàn đoàn viên, người lao động. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Công đoàn Thủ đô, ông Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đã trực tiếp đến chia sẻ, trao quà cho người lao động. Những gì ông làm, đều xuất phát từ suy nghĩ “một bản chương trình hành động hay đến bao nhiêu cũng không bằng một việc làm cụ thể”, nhất là khi việc làm cụ thể ấy xuất phát từ trái tim luôn nghĩ cho người lao động.

Thời điểm này, ông Thường lại đang trăn trở, ngày đêm chỉ đạo, sâu sát mô hình Tổ an toàn COVID-19 để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho người lao động.

Trực tiếp đến khu nhà trọ thăm công nhân lao động

Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH Denso Việt Nam (khu công nghiệp Thăng Long) sẽ không bao giờ quên niềm vui khi được Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội trực tiếp đến thăm, trao quà hỗ trợ nhân dịp Tháng Công nhân năm 2021. Vợ chồng chị Thuỷ có 2 con, Cháu lớn bị u bì kết giác mạc, không có hai lỗ tai, phải sử dụng máy nghe trợ thính đường xương. Bản thân chị Thủy thường xuyên phải nghỉ việc để đưa con đi bệnh viện điều trị. Khó khăn cứ chồng lên khó khăn như muốn thử thách vợ chồng chị khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện làm giảm thu nhập. Trong suy nghĩ của một người công nhân thì chị Thuỷ không bao giờ nghĩ tới việc sẽ được Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đến thăm, chia sẻ. Nước mắt chị chỉ trực rơi. Chị tâm sự mình thực sự hạnh phúc và biết ơn tổ chức Công đoàn vì đã chăm lo kịp thời cho gia đình chị.

Không chỉ chị Thuỷ mà còn những người đang có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID -19 như anh Hoàng Trọng Tuấn - công nhân Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam, gia đình chị Nguyễn Thị Ái - công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam…đều bất ngờ và xúc động nhận món quà của tổ chức Công đoàn do chính Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường trao.

Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường (thứ 2 từ phải sang) trao hỗ trợ Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên Công đoàn. Ảnh: CĐHN

Với Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, bên cạnh niềm vui trực tiếp đến với công nhân thì ông còn có đáu đáu nỗi buồn vì công nhân còn khổ, nhất là khi đứng trong những căn phòng trọ chưa đầy 15m2, chật chội, ẩm thấp nơi công nhân và cả gia đình công nhân đang ở trọ chỉ vì chỉ ở đó giá thuê mới thấp.

Bởi vậy, khi được tiếp tục giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, ông Thường cho biết sẽ có nhiều hoạt động quan tâm đến đời sống, việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc và sinh sống của công nhân, viên chức, lao động. Tại diễn đàn Quốc hội ở khoá XIV ông đã từng có những ý kiến về lĩnh vực này, thì khi được tin tưởng để có mặt ở diễn đàn Quốc hội khoá XV, ông sẽ tiếp tục có những ý kiến để hoàn thiện chính sách pháp luật đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Người lao động. Góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn đáp ứng được những đòi hỏi khi Việt Nam đã thực thi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Tạo tấm lá chắn góp phần bảo vệ người lao động trước dịch bệnh COVID-19

Ngày 15.5 Ban Thường vụ LĐLĐ Thành Hà Nội chỉ đạo các LĐLĐ quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập Bộ phận phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp, gọi tắt là Tổ an toàn COVID-19. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất phải thành lập Tổ an toàn COVID-19.

Cụ thể, mỗi tổ sản xuất hoặc bộ phận tương đương của các cơ sở sản xuất kinh doanh ít nhất phải thành lập một “Tổ an toàn COVID-19” hoạt động kiêm nhiệm. Trường hợp Tổ sản xuất có đông người lao động thì có thể thành lập nhiều “Tổ an toàn COVID-19” để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Thành viên của Tổ phải là người lao động trực tiếp làm việc tại Tổ sản xuất, có am hiểu về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tự nguyện, gương mẫu, có uy tín đối với công nhân lao động… Sau khi chỉ đạo, đích thân Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đã sát sao việc thành lập Tổ an toàn COVID-19, bởi đây có thể coi làm tấm lá chắn góp phần bảo vệ người lao động, bảo vệ doanh nghiệp trước dịch bệnh.

Bằng sự quyết liệt, sát sao từ người đứng đầu của hệ thống Công đoàn Hà Nội, đến chiều 18.5, 100% LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở đã triển khai văn bản hướng dẫn thành lập Tổ an toàn COVID -19 trong các doanh nghiệp. 30/30 quận, huyện và Sở Công thương, Sở Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo của Chính quyền về việc thành lập Tổ an toàn COVID-19 trong doanh nghiệp. Có 926 doanh nghiệp thành lập Tổ an toàn COVID-19 (với 3.767 tổ và 21.622 người tham gia); tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có 125 doanh nghiệp thành lập được 671 tổ với 2.760 người tham gia.

Tuy nhiên, đối với Công đoàn Các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Phi Thường đề nghị đơn vị cần vào cuộc quyết liệt hơn, đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để trong hai ngày tới có thể hoàn thành 100% số doanh nghiệp (đã thành lập Công đoàn cơ sở) thành lập được các Tổ an toàn COVID-19. Đối với các doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở, Chủ tịch Nguyễn Phi Thường đề nghị Công đoàn Các khu công nghiệp - chế xuất phối hợp với Ban Quản lý căn cứ trên các văn bản mới ban hành để chỉ đạo doanh nghiệp triển khai…

Khi được Ban Thường vụ, Đảng đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội giới thiệu đại diện cho giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Thủ đô tham gia ứng cử; được Hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú tín nhiệm cao; được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội hiệp thương lựa chọn, giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Phi Thường đã ý thức sâu sắc rằng đây không chỉ là vinh dự của cá nhân, đơn vị công tác, mà còn là trách nhiệm lớn trước Thành ủy Hà Nội, tổ chức Công đoàn, công nhân lao động, cử tri và nhân dân.

Nói về Chương trình hành động của bản thân, ông Thường cho biết điều đầu tiên là trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; gương mẫu trong công tác, sinh hoạt. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Một bản chương trình hành động dù được đầu tư công phu, trình bày có hay đến bao nhiêu cũng không bằng một việc làm cụ thể. Bởi vậy, nếu vinh dự được nhân dân giao trọng trách Người đại biểu nhân dân, Tôi nhất định sẽ nỗ lực để xứng đáng, để không phụ lòng những người đã tin tưởng bầu và phó thác nhiệm vụ cho mình. Để 5 năm sau, khi nhìn lại một nhiệm kỳ Quốc hội, Tôi tự tin vì mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri và tổ chức đã tín nhiệm giới thiệu mình.

(Ông Nguyễn Phi Thường - đại biểu Quốc hội khoá XIV, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội).

Phát huy trách nhiệm của một Đại biểu Quốc hội, ông sẽ luôn quan tâm, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân và thường xuyên lắng nghe các ý kiến của cử tri, để chuyển tải những mong muốn, kiến nghị, đề đạt của cử tri tới diễn đàn Quốc hội, đồng thời chuyển các kiến nghị đó tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, dành thời gian theo đuổi một số việc mà cử tri đặc biệt quan tâm.

Với kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình công tác, ông Thường sẽ tích cực tham gia xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách làm sao để chính sách pháp luật gắn chặt với thực tiễn cuộc sống và đời sống xã hội, đồng thời giám sát việc thực thi pháp luật, nhất là lĩnh vực ông Thường có nhiều kinh nghiệm như: Kinh tế, doanh nghiệp, giao thông vận tải, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới…

Ông Thường bày tỏ khi là Đại biểu Quốc hội khóa XV, sẽ bắt tay vào việc khảo sát, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội, đời sống, việc làm của nhân dân, tâm tư nguyện vọng và những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy nơi ông ứng cử. Đồng thời, tích cực tham gia giải quyết theo thẩm quyền và đề xuất Quốc hội cùng các cấp, các ngành quan tâm giải quyết các vấn đề mà cử tri và nhân dân mong đợi, tập trung những vấn đề đang tồn tại như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quản lý và phát triển đô thị cùng một số vấn đề bức xúc dân sinh hiện nay…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn