MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần chú trọng việc triển khai của Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động. Ảnh minh hoạ Hải Nguyễn

Chương trình phục hồi thị trường lao động: Chú trọng việc triển khai

ANH THƯ LDO | 03/01/2022 09:46

Với Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, các chuyên gia cho rằng việc triển khai thực hiện là quan trọng nhất, trong đó chú ý về nguồn lực, kinh phí.

6 giải pháp

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành “Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động”.

Trong đó, có những nội dung quan trọng như chính sách hỗ trợ lao động ngoại tỉnh chi phí sinh hoạt tối thiểu, chi phí đi lại, y tế, sắp xếp nơi ở tạm thời, hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt; các giải pháp để thu hút lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc; duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%..

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ:

Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Thứ ba, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động.

Thứ tư, tổ chức kết nối cung - cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung - cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ; chuẩn bị phương án huy động nguồn nhân lực như học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ.

Thứ năm, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định. Trong đó, bộ sẽ sửa đổi, bổ sung các Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Cùng đó, xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp để quản lý.

Hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Thứ sáu, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, kịp thời có phương án ngăn ngừa, giải quyết khi tranh chấp lao động, đình công xảy ra.

Chú trọng việc triển khai hiệu quả

Ông Đinh Ngọc Quý - Uỷ viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành mang tính chất ngắn hạn. Chính sách đã có, quan trọng làm sao để triển khai, thực hiện một cách nhanh nhất.

Ở đây, người lao động cần mưu sinh và đảm bảo sức khoẻ an toàn. Còn đối với doanh nghiệp sự hỗ trợ để phục hồi và phát triển sản xuất.

Ông Quý nhấn mạnh, dịch COVID-19 đã tác động đến thị trường lao động, trong đó nhóm lao động khu vực phi chính thức rất khó khăn.

"Do đó, cần phải sự vào cuộc từ các bên từ nhà nước đến chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm… Vai trò của cơ quan quản lí nhà nước kết hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhóm lao động này" - ông Quý nói.

Theo Uỷ viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhìn lại năm 2020, chúng ta đã có chương trình tổng thể phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Kì họp Quốc hội vừa qua, chương trình cơ cấu nền kinh tế trong đó có phần thị trường lao động cũng đề cập vấn đề này.

Chính phủ gấp rút chuẩn bị chương trình tổng thể về phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch. Quốc hội sẽ có kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1 về các vấn đề trên.

Ông Quý cho hay: "Với Chương trình của Bộ, việc triển khai thực hiện là quan trọng nhất, trong đó chú ý về nguồn lực, kinh phí. Đây là phần doanh nghiệp, người lao động và các địa phương mong chờ nhất. Không có nguồn lực rất khó triển khai thực hiện" 

Uỷ viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng cần xác định rõ nguồn lực, nhóm ưu tiên… của chương trình. Quan trọng nguồn lực đó cụ thể ra sao, có thực sự hỗ trợ được thị trường lao động hay không? Việc hỗ trợ phải giúp phục hồi thị trường chắc chắn, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn