MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy: “Không làm công nhân cả đời"

NHÓM PV LDO | 14/04/2022 06:04

Có những công nhân làm việc 10-15 năm trong nhà máy. Có người đi dọc đất nước, lăn lộn qua biết bao doanh nghiệp... Xuất phát điểm của họ khác nhau, nhưng tựu chung lại muốn có thu nhập để trang trải cuộc sống của mình, của gia đình. Song, trong tâm tưởng của họ chưa bao giờ xác định làm công nhân cả đời.

Liên tục tuyển công nhân mới

Nhóm công nhân thời vụ chúng tôi vừa vào làm chưa được bao lâu, thì công ty liên tục tuyển công nhân chính thức, thời vụ mới. Họ xếp hàng dài trong nhà để xe tầng hầm để chờ đến lượt phỏng vấn.

Một tốp công nhân mới lại được phân vào phân xưởng. Đứng cạnh tôi là em Ly Seo Mây (SN 2000, quê Mường Khương, Lào Cai).

Mây là chị thứ 2 trong gia đình 6 anh chị em. Chị cả của Mây sinh năm 1999, còn em út sinh năm 2008. Mây bỏ học từ đầu năm lớp 11. Nay 22 tuổi, Mây nói chuyện với chúng tôi bằng giọng bất cần và từng trải. 

 Công nhân mới liên tục được tuyển vào công ty.  

“Em bỏ học sớm vì học kém và cũng không thích học. Em và chị gái em trốn sang Trung Quốc làm lao động “chui”. Mỗi tháng em kiếm được khoảng 8 đến 9 triệu đồng” - Mây kể.

Số tiền này Mây vừa để chi tiêu cá nhân, vừa gửi về cho gia đình. 3 năm làm việc “chui” đó, Mây tự hào về chuyện không lo lạc đường hay không biết tiếng. 

Một vài công nhân mới chờ đợi được phân xưởng.  

Tôi hỏi: “Sao em không đi học thêm tiếng Trung để làm việc hợp pháp?” Mây nói: “Thế đi học không mất tiền à chị. Làm gì có tiền?”.

Trong buổi đào tạo này, sau khi nộp bài, chúng tôi phải tự thuyết trình về những gì mình viết ra. Mây không biết nói gì, em học mãi cũng không nhớ nổi những từ tiếng Anh và định nghĩa đơn giản.

Chị Hải – cô giáo của chúng tôi bất lực hỏi Mây:

-         Em học hết lớp mấy?

       Lớp 11

-         Thế sao không đi học mà lại đi làm?

        Học dốt

-         Thế có thuộc bảng cửu chương không?

        Em không thuộc hết.

-       Thế đi chợ trả tiền kiểu gì. Được trả lương có biết bao nhiêu với bao nhiêu không?

Cả Mây và nhóm công nhân mới chúng tôi cười ồ lên. Chị Hải nói tiếp: “Bảng cửu chương thì không thuộc nhưng tiền đếm không sót tờ nào nhỉ. Cố gắng học bài đi kỹ sư vào phỏng vấn thì em mới được phân ca về làm việc”.

Trăn trở tương lai...

Phân xưởng rầm rầm tiếng máy móc hoạt động hết công suất, tiếng công nhân í ới gọi nhau. Trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, tôi phải cố rướn tai nghe xem chị Thúy nói gì. “Chị nể em thật đấy. Sao em bị mắng như thế vẫn còn làm được ở đây. Phải chị thì chị nghỉ lâu rồi” – chị Thúy nói.

Nữ công nhân này cao 1m50, dáng người nhỏ. Chị Thúy nghỉ học từ năm lớp 9 vì “học dốt”. Nhà có hai mẹ con, chị đã bôn ba khắp từ Nam ra Bắc để kiếm kế sinh nhai. Công việc đầu tiên của chị là bán hàng cho một quán phở ở Hồ Gươm với mức lương 1 triệu đồng/tháng.

Vào phòng sạch, công nhân phải để mọi đồ đạc cá nhân ở ngoài tủ kể cả điện thoại di động. Những người được mang điện thoại phải có danh sách cụ thể.

Tháng 8.2010, có người quen làm công nhân trong Khu Công nghiệp Vsip (TP. Hồ Chí Minh), chị Thúy đi tàu vào đây để xin việc. 5 năm làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh, chị gửi về cho mẹ gần 100 triệu đồng để xây một căn bếp. Sau đó, chị lại ra Khu Công nghiệp Bắc Ninh làm công nhân thêm 4 năm. Thời gian này chị tiếp tục gửi tiền về quê đỡ đần mẹ và sửa lại căn nhà.

“Xây nhà, trả nợ cho mẹ xong thì chị đi lấy chồng. Lấy chồng xong dịch bệnh liên miên, hai vợ chồng cứ vật vã mãi chả có đồng nào” - chị Thúy tâm sự. Chồng chị kém chị 2 tuổi, làm nghề sửa chữa điện lạnh, lắp đặt điều hòa. Hai người quen nhau qua mạng xã hội Facebook. Một năm chỉ gặp nhau 1 lần vào dịp Tết Nguyên đán. Yêu nhau hơn 3 năm thì hai người kết hôn. 

Do dịch COVID-19, mỗi chỗ ngồi trong nhà ăn của công ty đều có vách ngăn. Chúng tôi chỉ tranh thủ hỏi thăm nhau vài câu trong lúc đào tạo hoặc di chuyển từ phân xưởng lên nhà ăn. 

Dù ngán ngẩm với công việc này song chị Thúy vẫn cố làm vì ngại các thủ tục hành chính. Chị Thuý kể, hai vợ chồng định đi xuất khẩu lao động ở Ba Lan trong thời gian tới. Chị hy vọng sang đó làm việc một thời gian rồi quay trở về quê mở tiệm đồ thiết bị điện.

Mức thu nhập ổn định mỗi tháng giúp công nhân có thu nhập, nhưng đa số họ đều cho biết sẽ không thể làm công nhân lâu dài. 

“Cuộc đời chẳng nói trước được điều gì đâu em. Không làm công nhân cả đời được. Phải kiếm nghề gì đó rồi về quê thôi”, vừa nói, chị vừa thở dài...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn