MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy: Nghìn lẻ một lý do làm công nhân

NHÓM PV LDO | 13/04/2022 15:00

Cần tiền trang trải cuộc sống, chưa có khả năng xin việc, dù học giỏi nhưng vẫn làm công nhân để phụ giúp gia đình… - có hàng trăm lý do để làm công nhân tại đây. Trong bộ quần áo bảo hộ giống nhau, làm công việc tương tự nhau, nhưng bên trong mỗi người đều chất chứa những nỗi niềm riêng.

Cử nhân đại học xin đi làm công nhân

Sau những ngày đằng đẵng làm công nhân thực thụ, tôi đã nếm trải những mệt mỏi, rã rời trên cơ thể. Nhưng chứng kiến một nữ công nhân bụng bầu “vượt mặt” vẫn đứng đủ 8 tiếng làm việc thoăn thoắt, mới thấy sức chịu đựng, sự bền bỉ của họ. 

Công nhân làm việc trong phòng sạch luôn phải mặc đồ bảo hộ kín mít.  

Trong bộ quần áo bảo hộ, khẩu trang kín mít, sự mệt mỏi thể hiện rõ rệt qua đôi mắt trũng sâu của chị. Hoá ra, chị đã làm việc ở đây được 2 năm. Là mẹ đơn thân, mỗi ngày chị phải di chuyển hơn 15 cây số từ chỗ trọ ở quận Tây Hồ đến công ty. 

Tôi than thở với chị về sự mệt mỏi khi phải đứng làm việc, chị cười: “Những ngày đầu thai kỳ, chị còn bị dồn hết máu xuống hai chân. Đứng mãi cũng thành quen”. Chị tính làm gần đến tháng sinh để được hưởng chế độ bảo hiểm. Sau khi nghỉ sinh 6 tháng, chị sẽ xin nghỉ việc luôn. 

“Không làm được cũng phải làm được. Còn cách nào khác nữa đâu” - chị nói về việc mang bụng bầu nặng nề đứng nhiều giờ đồng hồ làm việc trong nhà máy.

 Ngoài tuân thủ quy định về mặc quần áo bảo hộ trong phòng sạch, mọi công nhân đều phải tuân thủ tuyệt đối các quy định khác của công ty. 

Vì là công nhân mới, công ty liên tục vừa đào tạo lý thuyết, vừa làm trực tiếp. Sau khi được kỹ sư phỏng vấn, tôi tiếp tục được chia ca làm việc cụ thể và chịu sự quản lý của trưởng ca.

Chưa quen việc, tôi lóng ngóng, dán lệch các linh kiện điện tử. Một lần làm sai, sau khi bị trưởng ca mắng xối xả, tôi được Tâm (SN 1999, quê Nghệ An) chạy sang hướng dẫn. Vào làm trước tôi 3 tuần, Tâm chịu khó và rất kiệm lời.

Tâm kể đã tốt nghiệp khoa Sư phạm Ngữ văn, Đại học Vinh. Chưa xin được việc, em ra Hà Nội ở trọ cùng chị gái. Chị gái Tâm cũng là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh (Vĩnh Phúc). Trước đây, Tâm chọn học ngành Sư phạm để gia đình giảm bớt gánh nặng học phí, bên cạnh đó, em cũng được chị gái hỗ trợ phần nào tiền sinh hoạt.

Đây cũng là lần đầu tiên Tâm làm công nhân. Cô gái này dự tính làm vài tháng kiếm tiền, sau đó sẽ trở về quê chờ việc. Còn xin việc được hay không, chính bản thân Tâm vẫn chưa chắc chắn...

Tâm tư viết trong... cánh cửa nhà vệ sinh 

Làm việc trong nhà máy, không ai biết bên ngoài đang là ngày hay đêm, đang nắng hay mưa. Cảm giác ngột ngạt, khó chịu luôn lởn vởn quanh tôi. Những ngày đầu được đào tạo, chúng tôi đều biết đến thùng thư tay giúp cán bộ, công nhân đóng góp nguyện vọng, suy nghĩ của họ. 

Qua thời gian, những dòng chữ này đã mờ nhạt từ lứa công nhân mới sang cũ... 

Ấy vậy mà tất cả bức xúc, mong ước, nguyện vọng của công nhân lại được thể hiện rõ mồn một trong... nhà vệ sinh. Những dòng chữ nguệch ngoạc được viết vội, trông thật xót xa và cay đắng: Công ty như cái nhà tù ý, chắc nghỉ sớm quá... Lê Thanh Hoa (SN 2003, quê Phú Thọ) - công nhân thời vụ như tôi - cho biết: “Có khi viết ra còn khó cải thiện hơn”. 

Tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân được thể hiện trong... cánh cửa nhà vệ sinh.

Hoa là chị cả trong gia đình có 2 chị em. Bố mẹ em đều làm nông nghiệp ở quê. Hoa khoe với tôi từng được 24 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua. Em còn trong đội tuyển học sinh giỏi môn hóa học liên tục 5 năm. 

- Tại sao em không tiếp tục học đại học?

Gia đình em không quá nghèo, gọi là đủ ăn. Nhưng nếu học xong ra trường không có việc, vậy thì em chọn đi làm công nhân để phụ giúp gia đình sẽ tốt hơn nhiều.

Khi em học lớp 11, bố em bị tai nạn ngã xe. Mẹ em làm tạp vụ ở nội thành Hà Nội. Một mình em phải xoay xở chuyện nhà cửa, cơm nước và chăm bố.

 Tâm tư trong nhà vệ sinh của nhiều nữ công nhân.

Đang trao đổi với nhau vài câu, trưởng ca đi qua bàn chúng tôi, vừa giám sát vừa hỏi chuyện. Chị này cũng bất ngờ vì Hoa chỉ bằng tuổi con trai chị. “Ôi cháu bằng tuổi con trai cô à. Giờ nó vẫn còn suốt ngày xin tiền cô mà cháu đã đi làm rồi. Sao đi làm sớm thế!” – trưởng ca nói.

Hoa chỉ cười trừ: “Bạn bè em đều đi học đại học cả. Chúng nó cũng không muốn em đi làm như thế này mà đi học cùng. Nhưng…”.

Chưa nói hết câu, Hoa sực nhớ gì đó và hỏi tôi đường từ Khu công nghiệp Thăng Long đến Hồ Gươm, Hồ Tây có xa không, đường đi vào nội thành có khó không? Mong ước của cô công nhân vừa tròn 18 tuổi này chỉ là được đến thăm quan Hồ Gươm…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn