MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy: Những ngày đầu cơ cực

NHÓM PV LDO | 12/04/2022 14:05

Dù biết làm công nhân sẽ vất vả, nhưng khi chính bản thân mình trải nghiệm, tôi mới thấu được những cực nhọc mà công nhân phải đối mặt khi căng mình làm các thao tác liên tục như máy, ăn uống vô cùng gấp gáp, đến đi vệ sinh còn e ngại… Chỉ sau ngày làm việc đầu tiên, hai bàn chân của tôi cứng đờ không còn cảm giác vì phải đứng liên tục 8 tiếng…

7 người “rụng” còn 1

Sau ngày phỏng vấn, chúng tôi đều được nhận, thực hiện chuỗi ngày vừa đào tạo, vừa làm việc. Nhóm công nhân thời vụ khoảng 20 người, được chia làm 2 ca.

Ngày đầu tiên bắt tay vào công việc, tôi và 6 người khác được phân ngay làm ca 2, từ14h45 đến 22h. Sự nghiêm ngặt trong nhà máy thể hiện ngay việc quẹt thẻ để chấm công. Nếu bắt đầu công việc từ 13h45, tôi buộc phải quẹt thẻ trong khoảng thời gian 13h30-13h45. Nếu chệch 15 phút này, ngày làm việc đó của tôi coi như công cốc.

Công nhân sử dụng thẻ ID để ra - vào công ty và chấm công cho mỗi ngày làm việc.

Bước chân vào nhà máy, chúng tôi như lạc vào mê cung. Trong không gian ấy, chỉ có tiếng động từ những đôi giày bảo hộ của công nhân đi lại dọc hành lang. Chúng tôi bỡ ngỡ, ngơ ngác chỉ biết đi theo nhân viên đào tạo. 

Cứ ngỡ được bắt tay vào công việc ngay, hoá ra, chúng tôi trải qua nhiều buổi học lý thuyết. Đối với công nhân thời vụ, việc học lý thuyết rất ngán ngẩm. 

Trong ngày đầu tiên, nhóm 7 thành viên đã vắng mặt 1 người. Điều đặc biệt ở công ty này là công nhân phải đứng làm việc.

Trong 4 tiếng ròng rã đứng học lý thuyết, một vài người quá sức chịu đựng đã ngồi bệt xuống sàn, gầm bàn nhân lúc nhân viên đào tạo không để ý. Phát hiện ra việc trên, người này quát lớn: “Mới có đứng học, chưa phải làm mà đã thế này thì xuống xưởng làm thế nào được!”.

Công nhân vì quá mỏi nên đã ngồi bệt xuống sàn.

“Công ty này khắt khe quá, từ lúc vào đến giờ không biết bao nhiêu quy định, bài kiểm tra rồi” - hai công nhân nói xì xào với nhau. Ngay lập tức, họ rủ nhau tìm việc khác ở KCN Quang Minh (Vĩnh Phúc). 

Sau khi kết thúc thời gian đào tạo, chúng tôi vào làm việc trực tiếp trên sản phẩm tại “phòng sạch” - nơi mà lượng bụi trong không khí được hạn chế ở mức thấp nhất.

Trong không gian rộng gần trăm mét vuông, khoảng 50 công nhân cắm cúi làm việc như một cái máy. Ai cũng khoác bộ quần áo bảo hộ kín mít, đội mũ, đeo găng tay, quấn chặt cổ tay bằng băng dính, đi giày bảo hộ, đeo kính chống giọt bắn và đeo khẩu trang liên tục.

 Căn phòng thay quần áo bảo hộ - thổi gió cho sạch bụi trước khi công nhân được vào làm việc.

Mới nhìn thôi chúng tôi đã thấy... ngạt thở. Tuy nhiên, muốn bước chân vào căn phòng này làm việc, chúng tôi phải mặc đầy đủ trang phục bảo hộ như trên. Khi còn chưa làm quen trong bộ “đồng phục" này, chúng tôi phải hoà vào guồng làm việc mà các thao tác dán linh kiện điện tử thật khớp, tính bằng giây. 

 Mỗi một công nhân đều phải có thêm một chiếc thẻ này nếu làm việc tại phòng sạch. 

Máy hoạt động ầm ầm, mùi cồn xông thẳng cánh mũi, một công nhân mới không chịu được phải chạy đi nôn. Tốp công nhân thời vụ vào cùng tôi nháy nhau: “Thôi bỏ, chị không làm được đâu”.

Còn duy nhất 1 công nhân khác đã từng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) ghé sát tai tôi, nói: “Mai chị đi với em”. Thế nhưng đến sáng ngày hôm sau, chỉ còn duy nhất mình tôi đến công ty làm việc. 

Không dám đi vệ sinh

Mỗi công nhân được phát một chiếc cốc gấp tiện lợi dùng uống nước. Suốt một tuần liền, tôi chưa được trang bị cốc này. Vì vậy, mỗi ngày làm việc liên tục 8 giờ đồng hồ, họng của tôi khát khô. Nguồn nước duy nhất tôi uống chính là nước canh, thậm chí ăn cả phần cùi dưa hấu để giảm cơn khát. 

Một bữa cơm của công nhân tại nhà máy.

Khi được trang bị cốc, tôi cũng hạn chế tối đa việc việc uống nước trong ca làm việc. Bởi mỗi lần đi vệ sinh, các thao tác tháo cởi - mặc quần áo bảo hộ khiến ai cũng ngao ngán. Điều đáng nói, thời gian đi vệ sinh cũng bị trừ vào thời gian làm việc thực tế để tính lương. 

 Công nhân nhanh chóng di chuyển lên khu vực nhà ăn của công ty. 

Đứng làm liên tục suốt 4 tiếng trong cơn nhịn nước, ai nấy đều mong đến giờ nghỉ ăn cơm. Việc thay đồ, di chuyển đến nhà ăn, ăn cơm, nghỉ ngơi… được thực hiện vỏn vẹn trong vòng 45 phút.

Tôi nhẩm tính, thời gian để thay quần áo, đi từ phân xưởng lên đến nhà ăn của công ty mất khoảng 5-10 phút, 15 phút ăn uống. Sau đó, tôi quay trở lại phòng sạch, mặc quần áo, khử bụi… cũng mất thời gian tương đương. Vì vậy, để ăn được bữa cơm phải thật nhanh tay, nhanh chân mới đảm bảo được thời gian trên.

Mỗi công nhân làm việc tại phòng sạch đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quần áo bảo hộ, găng tay, giày... 

Ngày đầu tiên, khi ngồi xuống bàn ăn, những giọt nước mắt của tôi chỉ trực chờ lăn xuống. Cảm giác đau đớn, mệt mỏi, áp lực sau những giờ đứng làm việc khiến tôi không thiết ăn uống.

Đưa miếng cơm nguội ngắt lên miệng, mới thấu được sự cực nhọc, bán sức lao động kiếm tiền của những người công nhân là như thế nào.

Cơm chưa trôi hết, tôi vội vã di chuyển về phân xưởng, thay quần áo bảo hộ chuẩn bị cho 4 tiếng làm việc liên tục tiếp theo.

22h, kết thúc một ngày làm, tôi thất thểu lấy đồ đạc ra về. Trong đầu tôi chỉ văng vẳng câu nói của một nữ công nhân sinh năm 1999: “Ai vào đây mới đầu cũng thế. Rồi chị khắc quen thôi”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn