MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy: Xin làm công nhân không dễ dàng!

NHÓM PV LDO | 12/04/2022 06:04

"Chị phải xác định làm công nhân rất vất vả. Chị có đứng liên tục được 12 tiếng không? Chị có đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ liên tục được 12 tiếng không? Môi trường làm việc có mùi chị chịu được không?”... - chuỗi câu hỏi liên thanh của nhân viên tuyển dụng một công ty sản xuất linh kiện điện tử (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) hỏi tôi trong vai một người muốn xin làm công nhân.

Lạc vào “rừng” thông tin tuyển dụng

Sau Tết Nguyên đán, COVID-19 đã “tấn công" vào nhiều nhà máy. Một mặt, nhiều công nhân “dính" F0, một mặt, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nên sẽ tuyển dụng lao động. Tôi nhẩm tính, đây là thời điểm khá thuận lợi để có thể bắt đầu hành trình trở thành công nhân thực thụ của mình.

Song, thực tế muốn tìm được công việc có điều kiện làm việc và mức lương phù hợp thì không hề dễ dàng. Tôi mất nhiều ngày lân la đến bảng tin tuyển dụng tại khu vực cổng A (KCN Thăng Long) - nơi dán chằng chịt thông tin tuyển công nhân.

Tìm thấy một doanh nghiệp đang cần người vào làm với điều kiện đơn giản, ngay lập tức tôi bốc máy gọi điện theo số đường dây nóng nhưng không thể liên lạc. 

 Khu vực bảng tuyển dụng tại Cổng A - Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).

Sau một thời gian tìm kiếm việc làm bất thành, tôi tham gia vào một loạt trang mạng xã hội facebook của công nhân như “Hội công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long", “Hội công nhân KCN Bắc Thăng Long - nơi giao lưu và kết bạn"...

Giữa “rừng" thông tin tuyển dụng đăng tải la liệt theo giờ, tôi cũng tìm được một công ty sản xuất linh kiện điện tử, phù hợp với điều kiện của mình: Không yêu cầu bằng cấp, dễ phỏng vấn…

Kịch bản nhân viên tuyển dụng cung cấp cho ứng viên.

Lập tức, tôi tham gia nhóm Zalo tuyển dụng tại công ty này có hơn 400 tài khoản. Sau đó, nhân viên tuyển dụng của một công ty cung ứng nhân lực chủ động kết bạn với tôi bằng một nick Zalo khác có tên Vân Anh.

Vân Anh cho tôi xem thông tin tuyển dụng của một vài công ty, trong đó có đầy đủ thông tin về thời gian làm việc, yêu cầu công việc và mức lương. Người này không quên dặn dò tôi làm thế nào để có thể vượt qua vòng phỏng vấn từ bộ phận tuyển dụng của công ty. Đặc biệt, Vân Anh nhấn mạnh: “Hãy để nhà tuyển dụng thấy mình là người chăm chỉ”.

Sau đó, Vân Anh giới thiệu tôi với nhân viên thuộc bộ phận tuyển dụng của công ty và hẹn 14h30 ngày 17.3 sẽ phỏng vấn trực tuyến qua Zalo.

“Có chịu được vất vả không?”

15h ngày 17.3, qua Zalo, một giọng nữ hỏi tôi về tên, tuổi, công việc từng làm, lí do muốn làm công nhân và đương nhiên không thể thiếu lời giới thiệu về công ty: “Lương cơ bản của chị là 4.890.000 đồng/tháng. Nếu chị làm tăng ca thì lương từ 7-8 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường”. 

Nữ nhân viên này không quên dặn dò: “Chị phải xác định công việc rất vất vả. Chị có đứng liên tục được 12 tiếng không? Chị có đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ liên tục được 12 tiếng không?...". Trong vai một người “khát” việc, tôi quả quyết mình sẽ làm được. 

Sáng sớm ngày 19.3, nhiều lao động đứng chờ đợi trước cổng công ty.  

Tôi chuẩn bị hồ sơ xin việc chỉ vỏn vẹn chứng minh thư nhân dân. 7h20 ngày 19.3, tôi có mặt tại cổng công ty. Trong hàng chục người lao động đi xin việc mang gương mặt đầy bỡ ngỡ như tôi, nhân viên của công ty tuyển dụng ào tới hỏi tên, làm thời vụ hay chính thức...

Qua cổng, vào “địa bàn” của công ty, đập vào mắt tôi hàng chục người nối đuôi nhau chờ phỏng vấn. Họ là những lao động ở nhiều tỉnh thành như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An… mới đến Hà Nội tìm việc.

Hầu hết mọi người đều được nhận vào làm. Sau đó, chúng tôi phải di chuyển đến phòng đào tạo công nhân mới để trang bị kiến thức về nội quy công ty, an toàn vệ sinh lao động và phải kí rất nhiều cam kết, làm bài kiểm tra sau đó. 

Công nhân mới xếp hàng chờ test COVID-19 tại hầm để xe của công ty. 

Công nhân mới được phát mũ để phân biệt với công nhân chính thức. Mỗi người được chụp ảnh, làm thẻ ID (số hiệu công nhân) làm phương tiện quẹt thẻ khi bắt đầu và kết thúc công việc mỗi ngày.

Vi Thị Nhung (SN 2001, quê Lạng Sơn) là công nhân đầu tiên mà tôi bắt chuyện được trong buổi phỏng vấn tuyển dụng. Nhung nói đã làm công nhân sản xuất đồng hồ ở một công ty trong KCN Bắc Ninh và một công ty khác ở KCN Thăng Long; thế nhưng, do không chịu nổi áp lực nên nghỉ. Để có “miếng cơm, manh áo", Nhung lại tiếp tục xin vào một công ty khác tại KCN này.

 Buổi đào tạo đầu tiên ở công ty. 

Tôi hỏi Nhung: “Sao em không đi học tiếp mà lại chọn đi làm công nhân?” Nhung cúi gằm mặt xuống tập tài liệu được phát, mân mê chúng trong tay, nói: “Làm gì có tiền hả chị”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn