MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: NVCC

Chuyến đi đặc biệt ý nghĩa của một cán bộ công đoàn

Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN LDO | 25/07/2022 09:26

Tháng 7 - tháng của tri ân, thắm đượm đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của những người dân Việt Nam. Vinh dự, tự hào, tôi được là thành viên của 1 trong 4 đoàn cán bộ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tới dâng hương, hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và thăm hỏi gia đình chính sách, có công với cách mạng trên mọi miền của tổ quốc.

Hành trình 2 ngày đưa chúng tôi tới Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào (tỉnh Nghệ An) và Nghĩa trang 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Đó là chuyến đi đặc biệt ý nghĩa đối với tôi - người có 9 năm là sĩ quan trong quân đội và gia đình có 3 anh em trai đều đã từng tham gia quân ngũ.

Thắp nén nhang thơm, dâng vòng hoa tươi tưởng niệm hơn 10 ngàn anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, mà trong tôi cái bỏng rát, khốc liệt, bi hùng được từ cuộc chiến đấu 81 ngày đêm vào “mùa hè đỏ lửa” tại Quảng Trị cách đây đúng 50 năm như vẫn còn cảm nhận được. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. 

Vang trong tôi bài thơ của Thanh Thảo, như lời thì thầm, tâm sự của các anh: Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc? Cỏ sắc và ấm quá… Tuổi trẻ của các anh dành hiến cho non sông để “mùa xuân nơi ấy bừng lên”. Các anh “ngã xuống cho tổ quốc đứng lên”. Chúng tôi, những hậu bối, mãi mãi tri ân, mãi mãi biết ơn sự hi sinh vĩ đại đó.

Với đạo lý “đền ơn, đáp nghĩa”, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm lo cho các thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Các nghĩa trang liệt sĩ được nhà nước đầu tư, quy hoạch khang trang theo từng địa phương để thuận tiện cho nhân dân thăm viếng, tìm được người thân. Hiện nay đang có hơn 56 nghìn liệt sĩ đang được chăm lo phần mộ tại các nghĩa trang, nhưng cũng vẫn còn rất nhiều liệt sĩ chưa được tìm về. Các anh còn nằm đâu đó trong những cánh rừng, dưới những tầng sâu đá, núi. Đưa các anh “trở về” - đó cũng là những phần việc mà thế hệ hôm nay, mai sau cần tiếp bước thực hiện.

Hoà cùng dòng người từ mọi miền tổ quốc tới tri ân các anh, nhìn những kì đài đượm hương, hoa, tiếng cầu kinh và những cánh chim bồ câu bay lên, tôi cảm nhận rõ hơn những việc mà bản thân và rộng hơn là tổ chức Công đoàn cần làm trong những ngày tháng tiếp tới. 

Đó là các cấp công đoàn cần tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, tổ chức những chuyến về nguồn để thế hệ công nhân, cán bộ công đoàn trẻ được tới các “địa chỉ đỏ”, tri ân, chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ... để người trẻ hôm nay biết ơn, trân trọng quá khứ hào hùng, tiếp nối mạch nguồn truyền thống để bảo vệ, xây dựng tổ quốc!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn