MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Đình Trọng

Chuyển đổi số trong đào tạo nghề, giảm tỉ lệ thanh niên thất nghiệp

LƯƠNG HẠNH LDO | 25/08/2023 14:38

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cứ 10 thanh niên thì có 1 người bị thất nghiệp. Do đó, nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp sẽ góp phần cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động của dân số trong độ tuổi lao động.

Ngày 25.8, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) tổ chức Hội thảo “Phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Thực tế cho thấy, mặc dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng tỉ lệ thanh niên thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phù hợp tương đối cao so với tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước (7,61% so với mức trung bình toàn quốc là 2,25%).

Nguyên nhân chính là kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi của thị trường lao động. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp nhằm tận dụng năng lực kỹ năng số để cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động của dân số trong độ tuổi lao động, bao gồm nhóm dễ bị tổn thương.

Với quan điểm đó, dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp” được triển khai từ năm 2021. Bước đầu hỗ trợ giải quyết các nhu cầu kỹ năng trước mắt của học sinh, sinh viên và lực lượng lao động hiện tại.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho biết, sau hơn hai năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Nền tảng học tập trực tuyến đã thu hút hơn 15.100 người dùng kể từ khi ra mắt.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Lương Hạnh

Gần 3.000 học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp được truyền thông, hướng dẫn học tập trên nền tảng; 31.100 lượt hoàn thành các khóa học và gần 26.000 chứng chỉ đã được cấp cho các khóa học về kỹ năng số đã góp phần nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là những người lao động di cư tại các khu công nghiệp.

Trưởng phái đoàn IOM - bà Park Mihyung - nhấn mạnh: Đầu tư phát triển kỹ năng ở Việt Nam rất quan trọng. Điều đó tăng khả năng tìm việc làm và tăng năng suất lao động, góp phần giúp Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn trong nền kinh tế thế giới.

Đó là lý do tại sao IOM tự hào về dự án phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đặc biệt là nền tảng đào tạo trực tuyến. Nền tảng giúp cho những người lao động có tay nghề thấp và lao động di cư cải thiện các kỹ năng thiết yếu như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và kỹ năng số.

Điều này làm giảm khả năng dễ bị tổn thương của họ, giúp họ xác định hướng đi tốt hơn và tăng khả năng thích ứng của họ trong môi trường kỹ thuật số, hướng tới phát triển bền vững.

Trưởng phái đoàn IOM - bà Park Mihyung. Ảnh: Lương Hạnh

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; tiếp cận trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới tới năm 2030 và trở thành quốc gia hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN vào năm 2045” - bà Park Mihyung cho hay.

Tại Diễn đàn chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trong 10 thanh niên thì có một thanh niên bị thất nghiệp; số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp ba lần so với những lứa tuổi lớn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn