MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất chỉ được rút 50% BHXH khiến khiến người lao động băn khoăn. Ảnh: Hải Nguyễn.

Chuyên gia, người lao động chỉ ra các bất cập khi rút 50% bảo hiểm xã hội một lần

Ngọc Thùy LDO | 07/05/2023 15:38

Xoay quanh đề xuất liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi về việc nếu rút BHXH một lần, chỉ được rút 50% BHXH (phần còn lại sẽ được bảo lưu) không chỉ khiến nhiều người lao động băn khoăn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cũng đưa ra những góp ý thẳng thắn.

Chờ tới bao giờ mới rút được nốt phần còn lại?

Anh Nguyễn Văn Hợp có 10 năm làm công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) phải chịu đau đớn vì căn bệnh thoát vị đĩa đệm trong vài năm gần đây. Hiện tại, mức lương cơ bản của anh Hợp là 9,7 triệu đồng/tháng. Mức lương cơ bản khá cao, song anh vẫn khó để xoay sở chi tiêu với cuộc sống gia đình gồm vợ và 4 con.

“Nhiều bệnh nên sau này khó còn đủ sức khỏe làm công nhân nữa nên không biết có chờ được đến tuổi nghỉ hưu không. Tôi muốn rút BHXH một lần để về quê làm ăn, buôn bán. Đó cũng là một khoản tích lũy để lúc không có việc làm, tôi trang trải cuộc sống và lo cho vợ con”, anh Hợp nói.

Đề xuất chỉ được rút 50% BHXH khiến anh Hợp lo lắng vì phần bảo lưu còn lại muốn được rút thì phải chờ đủ tuổi nghỉ hưu.

Không chỉ anh Hợp, nhiều người lao động khác có mức thu nhập không cao cũng cho rằng, việc phải rút BHXH một lần nghĩa là người lao động đang rất khó khăn, họ cần gấp một khoản tiền để lo vấn đề trước mắt của mình. Do vậy, quy định thời hạn sau 12 tháng khiến người lao động băn khoăn.

Ngoài ra, nếu vẫn giữ độ tuổi nghỉ hưu ở mức quá cao cũng là điều khiến người lao động cảm thấy khó khăn khi duy trì đóng BHXH. Như vậy, đề xuất nhằm hạn chế việc rút BHXH một lần sẽ khó có hiệu quả.

Chuyên gia chỉ ra những bất cập

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH lần này đã được cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án (phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành; phương án 2 rút BHXH 1 lần chỉ được 50% và phần còn lại được bảo lưu).

“Bước đầu, chúng tôi đánh giá còn một số điểm bất cập. Trong đó, vấn đề lớn nhất là cả 2 phương án đều đưa ra điều kiện sau 12 tháng, người lao động không tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, nghĩa là họ phải mất việc làm. Trong khi đó, mục đích chính của BHXH một lần là giải quyết kịp thời, cấp bách các trường hợp người lao động khó khăn. Nếu chúng ta vẫn bắt người lao động phải chờ đến một năm thì rõ ràng cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề này”, ông Quảng phân tích.

Ông Quảng đánh giá, sửa luật để làm sao giảm được tình trạng rút BHXH một lần nhưng cũng cần tăng quyền lợi cho người đang ở trong hệ thống BHXH. Để làm được điều này cần có những chính sách linh hoạt hơn. Như điều kiện đưa ra phải liên thông với những điều kiện, quy định khác.

Cụ thể, hiện cả 2 phương án đề xuất nói trên đều quy định phải dưới 20 năm tham gia BHXH. Tuy nhiên, trong dự thảo đề xuất khác đã có quy định việc rút ngắn thời gian, điểu kiện để hưởng lương hưu là từ 20 năm xuống 15 năm. Như vậy việc soạn thảo, sửa đổi luật này cũng cần tính đồng bộ.

Cũng liên quan đến đề xuất này, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng truyền thông, phát triển đối tượng BHXH TP.Hà Nội - cho biết, trong quá trình giải quyết nhu cầu cho người lao động rút BHXH một lần, đơn vị nhận thấy thời gian để người lao động phải chờ đến 12 tháng còn nhiều bất cập.

Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng truyền thông, phát triển đối tượng BHXH TP.Hà Nội. Ảnh: Minh Ánh

Thứ nhất, họ không thể kịp thời giải quyết vấn đề khó khăn của bản thân. Thứ hai, trong 12 tháng, có rất nhiều người lao động tiếp tục đi làm. Về phía cơ quan BHXH sẽ phải xử lý cho các trường hợp người lao động đã bắt đầu thử việc.

“Trong thời gian thử việc, có thể người lao động tạm thời chưa đóng BHXH trong vòng 30 ngày nhưng chúng tôi giải quyết và sau đó, người lao động và chủ sử dụng lao động sẽ đóng bù. Việc này dẫn đến tình trạng người lao động vi phạm các điều kiện để hưởng BHXH một lần”, bà Minh Châu nói.

Ngoài ra, người có nhu cầu muốn hưởng BHXH một lần nhưng chưa được giải quyết cũng dễ dẫn đến khả năng bán sổ, thu gom sổ BHXH.

Đại diện BHXH TP.Hà Nội đánh giá, việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Bởi, khi người lao động bán sổ họ chỉ có thể thu lại được 1/3 hoặc một nửa số tiền thực tế họ sẽ nhận được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn