MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT ở Hà Nội ra sao?

PV LDO | 25/09/2019 14:43
Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3968/HD-YT-BHXH hướng dẫn về việc chuyển tuyến khám chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu rõ các Quy định về chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, các hình thức chuyển tuyến và hướng dẫn một số nội dung cụ thể.

Theo đó, người có thẻ BHYT được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 và Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế.

Cụ thể: Tuyến chuyên môn kỹ thuật được chia làm 4 tuyến như sau: Tuyến Trung ương và tương đương (tuyến 1); tuyến tỉnh và tương đương (tuyến 2); tuyến huyện, quận, thị xã và tương đương (tuyến 3) và Tuyến xã, phường, thị trấn và tương đương (tuyến 4).

 

Có 3 hình thức chuyển tuyến:

Thứ nhất: Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên.

a) Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự: tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên tuyến 1.

b) Chuyển người bệnh không theo trình tự quy định tại Điểm a nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn.

Thứ hai: Chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới.

Thứ ba: Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến.

Các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT: 

Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong địa bàn Thành phố.

Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến cho người bệnh đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bênh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và Bệnh viện Y hoc cổ truyền Thành phố (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa Y học cổ truyền).

Người có thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả bệnh viện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến thành phố chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến thành phổ hoặc Bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến Thành phố cùng hạng hoặc thấp hơn.

Đối với trường hợp cấp cứu: Người tham gia BHYT được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ theo quy định trước khi ra viện.

Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh .

Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển tuyến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn.

Người tham gia BHYT trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT và phải xuất trình các giấy tờ.

Trường hợp được sử dụng giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch:

Trường hợp người có thẻ BHYT mắc một số bệnh, nhóm bệnh quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31.12 năm dương lịch đó.

Trường hợp đến hết ngày 31.12 của năm đó mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó.

Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia BHYT phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 cùa Chính phủ.

Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ.

Nhiều bệnh viện tư được gỡ rối khi khám chữa bệnh bằng BHYT.

Trường hợp được chuyển thẳng tuyến trên: Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn. Người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở KCB tuyến 3 hoặc cơ sờ KCB tuyến 4 khi mắc các bệnh tại Phụ lục 2 kèm theo Hướng dẫn được chuyển thẳng lên cơ sở KCB tuyến 1 hoặc cơ sở KCB tuyến 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị bệnh.

Đối với việc khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại các tỉnh giáp ranh: Người tham gia BHYT đáng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh./.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn