MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có bằng đại học nhưng chọn làm công nhân

Mạnh Cường LDO | 04/04/2023 07:39

Xin làm công nhân để có công việc ngay, thu nhập ổn định là định hướng chung của rất nhiều lao động ở quê sau khi tốt nghiệp đại học. Đổi lại, họ phải giấu đi tấm bằng của mình vì ngại và không muốn bị soi xét.

Chị N.T.T (27 tuổi, Bắc Ninh) tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nhưng đã chọn làm công nhân may thay vì làm đúng chuyên ngành. Lý do dẫn đến quyết định này của chị đó là muốn trau dồi thêm kinh nghiệm và đảm bảo có công việc với mức lương ổn định.

Chị T lựa chọn làm công nhân may để trau dồi kinh nghiệm và có công việc ngay sau khi ra trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Chuyên ngành của tôi sau khi ra trường sẽ làm may mẫu, kỹ thuật may. Nhưng vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên không công ty nào muốn nhận. Vì thế, tôi đã quyết định giấu bằng xin vào làm công nhân trước" - chị T nói.

Lựa chọn làm công nhân, lợi ích chị T nhận lại đó là kinh nghiệm. Vì công việc này không yêu cầu bằng cấp và được đào tạo, chỉ dạy tận tình. Chị T cho biết - tay nghề may nhờ đó được nâng cao, sau này muốn thăng chức hoặc làm đúng chuyên ngành cũng dễ và tự tin hơn.

Không những thế, mức thu nhập cho công nhân hiện nay cũng khá ổn định. Theo chị T, nếu tăng ca đầy đủ, cộng thêm các khoản phụ cấp mỗi tháng cũng được 9 đến 12 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá hấp dẫn mà không phải nhân viên văn phòng nào ở quê cũng đạt được.

Tâm sự thêm, chị T cho biết ban đầu cũng rất tiếc cho 4 năm học tập. Nhưng rồi, vì cuộc sống mưu sinh nên đành gác lại, miễn sao có thu nhập tốt. Hiện tại, chị T khá hài lòng với công việc đang làm và sẽ cố gắng thật nhiều trong thời gian tới, ước mơ trở thành nhân viên kỹ thuật hoặc tổ trưởng.

Chị P.T.N (29 tuổi) trú tại Nam Định cũng cất tấm bằng đại học chuyên ngành Kế toán của mình đi làm công nhân. Sau khi ra trường chị đã thử xin vào một vài công ty nhưng không được nhận vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Các công ty nhỏ cũng yêu cầu ít nhất 6 tháng kinh nghiệm nhưng trả lương khá thấp, chỉ 5 triệu đồng/tháng.

Không chấp nhận mức lương thấp, chị N đã quyết định cất bằng đại học đi làm công nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"4 năm đại học tốn bao nhiêu tiền của nhưng về quê chỉ được có 5 triệu đồng/tháng" - chị N nói.

Thời gian đầu, gia đình, người thân đều khuyên ngăn, khiến chị N khó xử, nhưng sau thì bỏ qua. Trong công ty ngày càng nhiều người có hoàn cảnh giống chị nên mọi người cũng bớt dị nghị hơn.

Chồng chị T cũng làm công nhân nhưng chỉ học hết cấp ba. Khi công việc của cả hai ngang bằng nhau vô tình giúp tình cảm trở nên khăng khít, chồng chị nhờ vậy cũng giảm áp lực thua thiệt so với vợ.

"Tất cả vì cuộc sống, làm công nhân không xấu hổ, tôi chỉ xấu hổ khi học đại học mà ra trường lương thấp không bằng công nhân. Công việc này đã giúp tôi và chồng nuôi dạy 2 con khôn lớn và có một khoản tiết kiệm riêng" - chị N nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn