MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có cơ chế riêng để tư nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân

Cường Ngô LDO | 16/05/2022 18:51
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cần thiết phải nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại khu công nghiệp.

 Hệ thống đô thị của Việt Nam tăng nhanh về số lượng

Tại buổi trao đổi thông tin chiều 16.5, phục vụ Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 06 ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết đầu tiên được ban hành trong lĩnh vực này do Ban Kinh tế Trung ương xây dựng đề án, tham mưu Bộ Chính trị ban hành.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giai đoạn 2010-2020, đô thị hoá và phát triển đô thị Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành hai vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng các đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Tỉ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao...

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Thành Trung.

"Quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá", ông Hiển nói.

Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc phát triển đô thị hiện nay. Đó là, hệ thống đô thị phát triển chưa thật sự cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng; liên kết đô thị - nông thôn còn yếu, chưa phát huy tốt vai trò động lực, dẫn dắt các đô thị trong phát triển kinh tế xã hội.

Thực tế đó đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ như hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới...

Nghiên cứu cơ chế riêng, đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân

Tại buổi cung cấp thông tin, một trong những vấn đề được ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, đó là cần thiết phải nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại khu công nghiệp.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, ý tưởng về cơ chế, chính sách đặc thù này là từ ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Công đoàn đã có hẳn một chương trình thí điểm phát triển một số thiết chế công đoàn, trong đó đề xuất tiếp tục triển khai thiết chế công đoàn cho công nhân.

"Tôi cho rằng những tư tưởng này rất phù hợp và thực tiễn. Tuy nhiên, lần này sẽ nhìn rộng hơn, đó không chỉ là hoạt động của công đoàn, mà các thành phần khác, kể cả thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân thì sẽ thuận lợi hơn", ông Hiển nói.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện có một vấn đề gây khó đó là các địa phương có thể rất dễ bố trí quỹ đất để làm một khu công nghiệp, nhưng bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thì lại chưa mặn mà. Nghị quyết lần này sẽ quy định rất rõ về vấn đề này. Sẽ có cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân.

"Gần đây có một tín hiệu rất rõ, đó là việc Vingroup đưa ra thông điệp sẽ làm nhà ở xã hội, giá rất thấp từ 300-500 triệu. Câu chuyện đặt ở ra ở đây là gì: Một là phải có đủ quỹ đất để thực hiện nhà ở xã hội cho công nhân.

Địa phương phải quán triệt, bố trí đủ quỹ đất ở vị trí thuận lợi để xây dựng nhà ở cho công nhân, không có chuyện khu công nghiệp ở một nơi, nhưng nhà ở cho công nhân lại cách rất xa; đôi khi phải hi sinh lợi ích để hướng đến việc tạo thuận lợi nhất để bố trí nhà ở cho công nhân.

Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút tư nhân thực hiện các nhà ở xã hội cho công nhân, như tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các thủ tục về mặt cơ chế chính sách, hạ tầng, vay vốn…", ông Hiển cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn