MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Vũ Văn Miền (phải) trao đổi với luật sư thuộc trung tâm tư vấn pháp luật - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai

Cơ cực người công nhân 2 lần bị tai nạn lao động phải đi bán vé số

HÀ ANH CHIẾN LDO | 05/09/2017 19:00

Đang làm công nhân, không may, anh Vũ Văn Miền (47 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) 2 lần bị tai nạn lao động ở 2 Cty khác nhau, khiến khả năng lao động bị suy giảm nghiêm trọng. Trớ trêu thay, Cty nơi tiếp nhận anh làm việc không hỗ trợ mà lại cho anh nghỉ việc, không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động. Anh Miền phải đi bán vé số kiếm sống, nuôi gia đình.

Bi kịch 2 lần bị tai nạn lao động

Mới đây, TAND H.Trảng Bom, Đồng Nai đã đưa vụ án “Tranh chấp bồi thường trợ cấp tai nạn lao động” giữa nguyên đơn anh Vũ Văn Miền (47 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP. Biên Hòa) và bị đơn Cty TNHH Công nghiệp Ho Hsiang (KCN Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) ra xét xử.

Tòa tuyên anh Miền thắng kiện, buộc Cty phải bồi thường cho anh hơn 20 triệu đồng, do Cty không làm thủ tục để NLĐ được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động.

Tuy nhiên, Cty này kháng cáo. Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm được đưa ra xét xử vào ngày 12.9.

Năm 2003, một lần anh Miền trèo lên cao để bảo trì máy ở Cty S. thì chẳng may bị ngã gây chấn thương ở đầu và cột sống cổ. Theo kết quả giám định của Giám định Y khoa tỉnh Đồng Nai, anh bị suy giảm khả năng lao động 31%. Toàn bộ chi phí thuốc men và tiền lương trong những tháng điều trị của anh đã được Cty thanh toán.

Đồng thời, Cty còn làm thủ tục để cơ quan BHXH giải quyết hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ) cho anh với mức 460.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn, nên anh Miền xin vào làm việc tại Cty TNHH Công nghiệp Ho-Hsiang (Cty Ho-Hsiang; KCN Hố Nai 3) theo hợp đồng xác định thời hạn 1 năm (ngày 2.1.2012 đến ngày 1.1.2013) với mức lương gần 2,7 triệu đồng/ tháng.

Ngày 10.2.2012, sau khi làm việc xong, anh Miền đi rửa tay thì trượt té dẫn đến gãy tay phải khiến mức độ suy giảm khả năng lao động 30%.

Sau hơn 2 tháng xảy ra TNLĐ, anh Miền đã trở lại Cty Ho-Hsiang tiếp tục làm việc, Cty đã điều chuyển anh sang làm một số công việc vượt quá khả năng như: Đóng gói, bê hàng nặng... Sau đó, Cty đã ra quyết định cho thôi việc đối với anh kể từ ngày 31.5.2012.

Nhận thấy, Cty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật nên anh Miền làm đơn khởi kiện ra tòa.

Công ty không đồng ý kết quả giám định 

Anh Miền được xác định, mức độ suy giảm khả năng lao động từ 2 lần bị tai nạn, tổng hợp là 52% vĩnh viễn.

Từ đó đến nay, Cty không làm thủ tục để NLĐ được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ. Cụ thể, Cty không làm văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ của người sử dụng lao động nên anh Miền không được BHXH giải quyết để hưởng trợ cấp theo tỷ lệ TNLĐ mới 52%, làm thiệt hại cho anh hàng tháng với số tiền 392.717 đồng.

Vì vậy, tháng 8.2015, anh Miền tiếp tục làm đơn khởi kiện vụ án thứ 2 để đòi bồi thường trợ cấp TNLĐ.

Tại phiên tòa, đại diện phía Cty cho rằng, Cty không đồng ý với kết quả giám định tỷ lệ TNLĐ của anh Miền lần 2 là 30%, vì kết quả này quá cao. Nhiều lần Cty gửi giấy mời đề nghị đi giám định lại tỷ lệ TNLĐ nhưng NLĐ không thực hiện. Vì vậy, Cty không có cơ sở để làm văn bản đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ TNLĐ của người sử dụng lao động như anh Miền đã yêu cầu...

HĐXX nhận thấy, từ khi có biên bản giám định tổng hợp số 08 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Đồng Nai cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào có văn bản thu hồi, hủy bỏ hoặc sửa đổi biên bản này. Do vậy, biên bản vẫn có giá trị pháp lý.

Mặt khác, khi Cty không đồng ý với kết quả giám định nên khiếu nại, nhưng Hội đồng giám định y khoa cũng chưa có văn bản giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại mà chuyển hồ sơ đến Hội đồng giám định y khoa Trung ương là chưa đúng quy trình. Trong khi, bản thân anh Miền là người bị thiệt hại nhưng đồng ý với kết quả giám định và không yêu cầu giám định lại.

Vì vậy, tòa buộc Cty phải trả cho anh Miền số tiền 20.681.000 đồng. Tuy nhiên, phía Cty vẫn kháng cáo, không để anh Miền được hưởng số tiền ít ỏi trên để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Hiện, anh Miền mỗi ngày phải đi bộ hàng chục cây số từ Trảng Bom tới TP.Biên Hòa để bán vé số, nuôi sống gia đình và vợ con trong căn nhà của người khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn