MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Quốc Chinh (ngồi) liên lạc với tàu cá ở vùng biển Hoàng Sa qua máy Icom của tổ chức Công đoàn trao tặng. Ảnh: P.V

Có một nghiệp đoàn nghề cá ở giữa biển khơi

N.P.ĐẤU LDO | 17/08/2019 13:30

Ra đến đảo Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), hình ảnh đầu tiên tạo ấn mạnh trong tôi là những chiếc tàu đánh cá treo cờ Tổ quốc đỏ rực đậu san sát dưới biển. Đó là những tàu cá đánh bắt xa bờ, cũng là những cột mốc chủ quyền trên biển, vừa trở về sau chuyến đánh bắt dài ngày ở vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam, quây quần trong một đại gia đình có tên “Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải”.

Công đoàn là nhà

Tại cơ quan LĐLĐ huyện Lý Sơn, cạnh phòng làm việc của Chủ tịch LĐLĐ huyện là văn phòng của Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải. Chủ tịch nghiệp đoàn - ông Nguyễn Quốc Chinh - cho biết, LĐLĐ huyện bố trí cho nghiệp đoàn nơi làm việc tươm tất và thuận tiện để anh em ngư phủ đoàn viên dễ dàng đến với ngôi nhà chung nghiệp đoàn. Trong văn phòng làm việc của nghiệp đoàn, bàn làm việc của ông Chinh có 1 bộ máy vi tính và bộ Icom đang trong chế độ làm việc. Ông Chinh cho hay, máy vi tính là của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trao trong lần ra thăm Lý Sơn năm 2016. Còn bộ Icom là của Tổng LĐLĐVN tặng năm 2012, một năm sau khi nghiệp đoàn được thành lập.

Ông Chinh “khoe”: Nhờ chiếc máy vi tính mà ông cập nhật được thông tin tình hình thời tiết trên biển và các thông tin hữu ích khác; còn bộ Icom giúp liên lạc giữa các tàu ngoài biển khơi với đất liền, qua đó hỗ trợ hoặc ứng cứu các ngư phủ khi cần thiết.

Đọc thông tin trên màn hình máy vi tính “Áp thấp hình thành tại tọa độ…, cách đảo Trường Sa Lớn 200 hải lý…”, ông Chinh nói: “Chúng tôi đang theo dõi kỹ cơn áp thấp này để kịp thời cảnh báo thông tin cho các tàu ngoài khơi”. Nhấc ống nghe, vặn nút rà tần số vô tuyến trên máy Icom, ông Chinh nói vào máy: “Tàu 13 đang đánh bắt ở tọa độ nào? Chú ý, áp thấp đang hình thành tại tọa độ…, di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ 10km…”.

Văn phòng làm việc của nghiệp đoàn khá ngăn nắp, sạch sẽ. Tường treo các loại bằng khen, giấy khen của các cấp công đoàn, chính quyền huyện Lý Sơn và tỉnh Quảng Ngãi. Trong chiếc tủ kính là hình Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang thăm nghiệp đoàn; hình Ban Chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐVN tại Đại hội XI năm 2013 trong đó có ông Chinh; Bằng Chứng nhận “Chất lượng vàng thủy sản VN”,… Đây là nghiệp đoàn nghề cá được thành lập đầu tiên trong cả nước và ông Chinh là ngư dân đầu tiên trúng cử vào BCH Tổng LĐLĐVN 2 khóa liền (XI và XII).

Gan dạ và thương người

Thành lập năm 2011 với 428 ngư dân của 36 tàu cá đủ điều kiện được kết nạp vào nghiệp đoàn, đến năm 2019, Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải đã tăng lên trên 620 đoàn viên của gần 60 tàu đánh bắt xa bờ.

Theo ông Chinh, còn nhiều tàu muốn xin gia nhập nghiệp đoàn, nhưng chủ trương chung là chỉ thu nạp các tàu đánh bắt xa bờ, vừa để khuyến khích tàu vươn khơi, mà cũng vì nghiệp đoàn muốn dành toàn lực để hỗ trợ ngư phủ đánh bắt xa bờ. Sức hút vào nghiệp đoàn tăng cao từ thực tế ngư phủ và tàu cá tham gia nghiệp đoàn được giúp đỡ thiết thực, mang lại nhiều lợi ích.

Không chỉ được hỗ trợ tránh rủi ro về thời tiết, được giúp đỡ kịp thời khi gặp sự cố trên biển, nghiệp đoàn còn giúp ngư phủ học tập nâng cao trình độ, là cầu nối của các tổ chức, đồng bào trong đất liền với các ngư dân ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Thông qua nghiệp đoàn, rất nhiều hoàn cảnh hoạn nạn của ngư dân được giúp đỡ kịp thời, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Thực tế cũng cho thấy, từ khi tham gia nghiệp đoàn, tàu cá đánh bắt hiệu quả hơn, đời sống của ngư phủ cũng tốt lên nhiều.

Các ngư dân đoàn viên thuộc Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải đánh bắt chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, thường xuyên đối mặt với thiên tai, sự tấn công, cướp bóc của “tàu lạ”. Ngư dân Lý Sơn luôn bám biển trong điều kiện khắc nghiệt ấy nhờ 2 tố chất “gan dạ” và “thương người”.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Lý Sơn - ông Nguyễn Hữu Chi - rất tự hào về tính gan dạ của ngư dân trên đảo, phẩm chất hình thành từ những thế hệ “hùng binh Hoàng Sa” mà tổ tiên để lại cho cháu con. Quanh năm lênh đênh trên biển xa, ngư dân Lý Sơn không chỉ gan dạ mà còn rất thương người. Họ sẵn sàng hy sinh tài sản, cá tôm để cứu người gặp nạn trên biển, bất kỳ người bị nạn là ai.

Chuyện chưa hết tính thời sự là vào tháng 7 vừa qua, các ngư dân thuộc Nghiệp đoàn An Hải trên đường đi khai thác thủy sản ở vùng biển Trường Sa đã cứu nhiều ngư dân nước ngoài bị nạn trên biển. Hơn 20 ngư dân nước ngoài được cứu vớt, an toàn trở về với gia đình, đó là niềm vui lớn của ngư dân Lý Sơn dù mình có bị thiệt hại ít nhiều về kinh tế do phải bỏ thời gian, công sức cứu người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn