MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Đỗ Đức Thiệm - Trưởng ban Chính sách - Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đức Thiệm

Có nên quy định lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc?

Đỗ Đức Thiệm LDO | 24/07/2020 10:36

Việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc là tạo điều kiện cho lao động nữ trong việc thực hiện đồng thời chức năng lao động xã hội và chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ. Tuy vậy, việc triển khai không phải nơi nào cũng được thuận lợi.

Chính phủ đã có nghị định, quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động năm 2013 về chính sách đối với lao động nữ, trong đó bắt buộc người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.

Thực tế triển khai quy định về lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc trong thời gian qua cho thấy nhận thức, nhu cầu nuôi con bằng sữa mẹ và vai trò của phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc đã tăng một bước đáng kể so với trước. Tuy nhiên, cũng còn nhiều quan điểm nhìn nhận khác nhau về vấn đề này giữa người sử dụng lao động, người lao động. Việc triển khai ở mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp còn khác nhau.

Ở các thành phố lớn và các doanh nghiệp lớn, gắn với các nhãn hàng quốc tế hoặc doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài triển khai khá tốt việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Một số doanh nghiệp đã lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc và tạo điều kiện cho cả lao động nữ nuôi con nhỏ từ 12 tháng tuổi trở lên thực hiện vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Tuy nhiên, số địa phương, doanh nghiệp bố trí lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ còn rất ít.

Nhận thức của lao động nữ cũng có sự khác biệt. Nhiều lao động nữ chủ động tham gia, nhưng không ít người ngại cùng với nhiều lý do để không tham gia. Một số lao động nữ phải gửi con về quê cho người thân chăm sóc nên việc trữ sữa không có ý nghĩa.

Mới đây, tại Quy Nhơn, Bộ LĐTB&XH tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bình đẳng giới, có nhiều ý kiến sát thực tiễn về vấn đề vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Bà Phạm Thị Thanh Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH trình bày dự thảo hai phương án quy định về lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Phương án 1, người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.

Phương án 2, khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt trữ, sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thì bắt buột phải lắp đặt phòng.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - bà Trần Thu Phương, Trưởng phòng Lao động nữ, Ban Nữ công cho biết: theo số liệu thống kê của công đoàn các cấp, cả nước có 826 phòng vắt trữ sữa mẹ tại 372 doanh nghiệp với hơn 29.800 người lao động nữ được thụ hưởng; số doanh nghiệp có từ 1.000 lao động nữ trở lên là 837, trong đó có 187 doanh nghiệp đã lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ. Như vậy nếu chỉ quy định doanh nghiệp có từ 1.000 lao động nữ trở lên phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ thì đây là một con số rất nhỏ so với số doanh nghiệp hiện nay. Mặt khác, quan điểm của tổ chức công đoàn là dù chỉ có một bà mẹ cũng phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, điều này cũng thể hiện bảo đảm đúng mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn