MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà ở công nhân tại Đà Nẵng tuyệt đối quán triệt với hoạt động cho vay nóng, vay lãi suất cao. Ảnh: Nguyễn Linh

Có tổ tự quản, công nhân được bảo vệ khỏi tín dụng đen

Nguyễn Linh LDO | 05/04/2024 12:00

Vay nóng là hình thức cho vay dân sự, các đối tượng thường xuyên nhắm vào người lao động, công nhân để cho vay. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, tình trạng cho vay nặng lãi không còn xuất hiện nhiều như 2 năm trước.

Công nhân sợ tín dụng đen, vay nóng

Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) và Khu công nghiệp Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) mỗi năm thu hút hàng nghìn lao động làm việc. Đây cũng là nơi thường xuyên xuất hiện các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Tại tổ công nhân tự quản số 1 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) các dãy nhà công nhân thuê trọ san sát nhau. Hầu hết các công nhân này đều làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Với mức lương chỉ dao động từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, chị Trang (công nhân Công ty TNHH điện tử Việt Hoa, Khu công nghiệp Hòa Khánh) sợ khi nghe đến tín dụng đen, vay nóng. “So với các chính sách vay khác thì vay nóng, vay tín dụng đen thường có lãi suất rất cao. Có những chỗ cho vay đến 10%/ngày”, chị Trang kể.

Hiện chị Trang đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi nên cần cuộc sống ổn định, dù thiếu thốn, chật vật nhưng chị Trang vẫn không dám nghĩ đến việc sẽ vay tiền ở các hệ thống cho vay trên mạng xã hội.

Tại khu nhà ở công nhân (gần Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), các công nhân đang sinh sống tại đây đều có cuộc sống rất vất vả, hầu hết là mẹ đơn thân...

Nói đến tín dụng đen ai cũng rất e sợ, phần vì nghe từ báo đài các trường hợp cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu khủng bố; những người mẹ đơn thân này có con đang ở độ tuổi đi học, tuổi trưởng thành nên rất sợ ảnh hưởng đến con của mình.

Không cung cấp thông tin cho người lạ

Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 1 (Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) những năm 2019, 2020, 2021 các trường hợp vay tín dụng đen rồi bị hù dọa, đòi nợ đến mức phải bỏ việc, bỏ xứ đi nơi khác xuất hiện ở các khu trọ tập trung nhiều công nhân. Từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát, an ninh trật tự khu vực được siết chặt thì tình trạng cho vay nặng lãi, hù dọa công nhân đã không còn.

“Hai năm trở lại đây tín dụng đen ở khu công nhân tự quản số 1 hoàn toàn không xuất hiện.

Chúng tôi quán triệt không đưa thông tin cá nhân như nơi ở, gia đình của công nhân cho bất kỳ đối tượng lạ mặt nào”, ông Nguyễn Thanh Dũng cho biết.

Ngoài ra, Tổ công nhân tự quản luôn chấn chỉnh công nhân không tham gia vay mượn ở các tổ chức, đơn vị cho vay với lãi suất cao. Tổ dân phố nơi có đông công nhân, người lao động tạm trú cũng nâng cao cảnh giác, khi phát hiện các đối tượng lạ, có biểu hiện khả nghi sẽ lập tức báo chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn sự việc xấu xảy ra.

Trước đó, chiều 28.3, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đối thoại, tư vấn pháp luật cho đoàn viên, người lao động thuộc Công đoàn Khu công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng.

Buổi đối thoại, người lao động nắm rõ hơn chính sách về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, CNVCLĐ. Khó khăn, vướng mắc của người lao động liên quan đến vấn đề nhà ở công nhân, vấn đề việc làm, đào tạo nghề, thiết chế văn hóa dành cho người lao động.

Các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, các chính sách hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dành cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn