MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chi trả tiền theo Nghi định 42 tại xã Thiệu Thành ngày 14.5. Ảnh: X.H

Có vi phạm vận động dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ COVID-19

ANH THƯ LDO | 21/05/2020 15:22
Trong quá tình triển khai chính sách hỗ trợ người dân ảnh hưởng dịch COVID-19, có địa phương còn tình trạng bệnh thành tích, vận động người dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến ngày 20.5, các địa phương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 17,5 nghìn tỉ đồng, chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2 nghìn tỉ đồng.

Các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người được hỗ trợ.

Cụ thể, số người có công với cách mạng, người được bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo trên 11,8 triệu với kinh phí gần 11.400 tỉ đồng. Hiện đã có 34 tỉnh, thành phố cơ bản chi trả xong.

Về nhóm đối tượng là người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh cá thể. Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu danh sách với 1.202 người, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh được chi trả.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có 9 địa phương đã chi hỗ trợ cho 50.335 người bán lẻ xổ số lưu động với tổng kinh phí là 45,2 tỉ đồng, gồm: TPHCM, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

Báo cáo sơ bộ cho thấy, 6 tỉnh và thành phố đã thực hiện hỗ trợ các đối tượng mở rộng so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng. Tổng số đối tượng hỗ trợ thêm 17.800 người với kinh phí thực hiện khoảng 19,1 tỉ đồng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương gặp khó khăn, thiếu kinh phí, nhất là các tỉnh phải cân đối 30-50% ngân sách như Bình Định, Nghệ Anh, Thanh Hoá...

Việc triển khai vay lương của các doanh nghiệp chưa nhiều, một phần do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bắt đầu quay trở lại làm việc, các doanh nghiệp còn tích luỹ kinh phí để trả lương.

Mặt khác do phải chứng minh tài chính ở chừng mực nào đó khiến doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh nên chưa chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cá biệt có địa phương còn tình trạng bệnh thành tích, vận động người dân kí vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Bên cạnh đó, còn sai phạm trong việc đưa người nhà cán bộ không đủ điều kiện vào danh sách hộ cận nghèo. Sự việc trên đã được phát hiện, ngăn chặn và cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc.

Trước tình trạng trên, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành hoàn thành việc chi trả cho nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo xong trong tháng 5.

Các nhóm đối tượng khác khẩn trương theo lộ trình hồ sơ phê duyệt và phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể giám sát, phản biện xã hội triệt để, thực chất, toàn diện việc thực hiện chính sách.

Cùng với đó, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nếu có).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn