MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Kim Thị Tha Huy (Tiểu Cần - Trà Vinh) bị khuyết tật ở chân được bố trí công việc dán keo giày phù hợp với thể trạng sức khỏe. Ảnh: Phương Anh

Có việc làm, lao động khuyết tật tự tin hòa nhập xã hội

PHƯƠNG ANH - PHONG LINH LDO | 12/01/2024 11:00

Nhiều lao động khuyết tật được doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nhận vào làm công nhân đã góp phần giúp những lao động yếu thế có việc làm, thu nhập ổn định và tự tin hòa nhập xã hội.

Bố trí công việc phù hợp sức khỏe

Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong ở xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh hiện giải quyết việc làm cho 4.260 lao động và có 10 lao động là người khuyết tật về chân, miệng, tai,...

Bà Chế Thị Huyền Trân - Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong - cho biết, lao động khuyết tật được sắp xếp làm việc chung với những lao động bình thường khác trong cùng phân xưởng và tùy thể trạng sẽ bố trí công việc phù hợp.

Bị khuyết tật ở chân, chị Thạch Thị Tha Huy (ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) được nhận vào vào làm việc tại Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong từ năm 2021 và được sắp xếp làm ở phân xưởng dán keo giày. Chị Huy được ưu tiên chạy xe điện đến tận chỗ làm.

“2 năm trước tôi tốt nghiệp ngành điều dưỡng nhưng không xin được việc làm đúng ngành. Sau đó tôi gửi hồ sơ vào Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong để xin làm công nhân. Ban giám đốc thấu hiểu được hoàn cảnh đã đồng ý nhận tôi vào làm. Hiện thu nhập mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng” - chị Huy cho biết.

Chị Thạch Thị Đi (Tiểu Cần, Trà Vinh) bị khuyết tật ở miệng, giao tiếp khó khăn, người gầy ốm... hiện đang làm việc tại phân xưởng thành phẩm. Chị Đi từng trải qua khoảng thời gian tìm việc khó khăn. Hiện thu nhập của chị được gần 4 triệu đồng/tháng, dịp lễ Tết được ưu tiên để nhận các khoản tiền, quà hỗ trợ của công ty, công đoàn.

Bà Chế Thị Huyền Trân đánh giá 10 lao động khuyết tật tại công ty đều làm việc rất hiệu quả, có những trường hợp hiệu suất làm việc cao hơn cả những lao động bình thường khác.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh, hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều doanh nghiệp cũng không ngần ngại nhận lao động khuyết tật, kể cả nhận lại người lao động bị tai nạn lao động vào làm việc như Công ty TNHH May Hồng Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư & Sản xuất Công nghiệp Lefaso và một số công ty nằm trong Khu công nghiệp Long Đức.

Đặc biệt quan tâm lao động yếu thế

Ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong - cho biết, CĐCS có 4.260 đoàn viên. Những năm qua Công ty, Công đoàn luôn quan tâm đến công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên như cử người hoặc trực tiếp đến thăm, động viên tinh thần, trao quà cho những gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn; trao nhà Mái ấm Công đoàn, hỗ trợ học bổng cho con em đoàn viên...

Đối với nhóm đối tượng lao động khuyết tật, Công ty và Công đoàn luôn có chế độ đãi ngộ riêng biệt, có sự ưu ái hơn so với những công nhân khác.

“Công đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao để tạo cơ hội cho mọi người giao lưu, gần gũi, gắn chặt tình đoàn kết. Nhờ vậy những lao động khuyết tật hiện nay rất tự tin hòa nhập với mọi người trong phân xưởng chứ không rụt rè như trước” - ông Nam cho biết thêm.

Bà Võ Thị Thu Oanh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trà Vinh - đánh giá, hiện nay các doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật hay bị tai nạn lao động đều thực hiện tốt công tác chăm lo cho các nhóm đối tượng này. Các chế độ chính sách, phúc lợi đều bằng hoặc cao hơn những lao động thông thường.

“Việc tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giúp NLĐ khuyết tật có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời thể hiện sự chung tay giúp đỡ, chia sẻ bớt khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp giúp đối tượng yếu thế hòa nhập với cộng đồng” - bà Oanh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn