MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cứ rảnh là chị Hàn Thị Phương lại gọi về cho các con ở nhà. Ảnh: Anh Thư

Con 10 tuổi hơn 9 năm xa mẹ: Trĩu lòng nữ công nhân...

LƯƠNG HẠNH - ANH THƯ LDO | 30/09/2021 16:08
Mỗi chuyến đi xuống Thủ đô làm việc của chị Phương chưa bao giờ là dễ dàng. Chỉ cần xe nổ máy, con chị đã khóc ngằn ngặt đòi theo mẹ...

9 năm xa con

Con ăn cơm chưa?

- Con ăn cơm rồi.

Sáng con học thế nào, cô giáo có giao bài tập về nhà không?

- Sáng nay con học môn Toán, Tiếng Việt, tập đọc. Sáng học cô giáo có cho bài tập về nhà.

Thế có nhớ mẹ không?

- Con có ạ.

Cuộc điện thoại bằng hình ảnh qua mạng xã hội Facebook tắt rụp lúc 11h trưa. Đây cũng là cuộc gọi thứ 3 trong một buổi sáng của chị Hàn Thị Phương (SN 1983) đang làm công nhân tại Công ty TNHH Denso Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) với con gái Trần Hàn Mai Hương ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc).

Con gái chị Phương 10 tuổi, nhưng có đến hơn 9 năm sống với bà nội ở quê. “Biết làm thế nào được, do điều kiện gia đình, công việc buộc phải xa con” -chị Phương ngậm ngùi. Chị Phương là một trong số rất nhiều gia đình là công nhân khác đi làm xa, gửi con ở quê cho ông bà trông nom.

Lúc nào cũng cười tươi nhưng đôi mắt chị Phương lại ngấn lệ khi nhắc đến hai con nhỏ đang ở quê với ông bà nội. Ảnh: Lương Hạnh.

Hiện con gái lớn Mai Hương cũng đã học lớp 5, con trai thứ hai là Thanh Tùng đã lên 8 tuổi. Giờ, hỏi còn nhớ con nhiều không, chị Phương kể “dần dần cũng quen”. Để có sự "dần dần cũng quen" ấy, chị Phương đã trải qua những tháng ngày nhớ con đau đáu, rơi nước mắt hằng đêm...

Nhớ lại quãng thời gian đầu tiên xa con, chị Phương rưng rưng: “Bé đầu tiên nhà tôi, 9 tháng đã phải gửi về quê, 9 tháng đã phải cai sữa mẹ”.

Ở Hà Nội, sữa mẹ ào về căng đầy, con ở quê thì “khát” sữa. 9 tháng chăm nom, ôm ấp, nay con phải ở nhà với bà. Cứ nghĩ đến đây, chị Phương không cầm được lòng...

“Mất một thời gian dài, tôi mới thích nghi được. Đi làm thì không sao, cứ về nhà quanh quẩn trong 4 bức tường thì nhớ lắm” - chị Phương nói.

Vì thế, có ngày làm ca đêm đến 6 giờ sáng, chị Phương tất tưởi đi xe máy 45km về quê Vĩnh Phúc thăm con. Khi về quê, chị dành toàn bộ thời gian chơi với con còn chuyện cơm nước có bà nội lo. Chị Phương bảo, lúc lên Hà Nội chỉ cần làm cốc cà phê là tỉnh táo rồi đi làm. Cứ tranh thủ như vậy, 1 tuần chị về nhà được đôi lần.

Về quê, mỗi lần rời khỏi nhà, chị Phương lại phải trốn con mà đi. “Mẹ ra đây một tí” - vừa nói, chị Phương vừa phải đi xe thật nhanh, không dám ngoái đầu lại sợ rơi nước mắt trước mặt con. Lần nào chị đi, các con cũng khóc giãy lên.

Một kỉ niệm đến giờ chị Phương không thể nào quên được, khi ấy bé Thanh Tùng 4 tuổi. Đúng giờ đó, cứ nghe tiếng xe mẹ nổ máy, bé lại khóc đòi mẹ.

“Mẹ đi lên đê để ra đường lớn xuống Hà Nội, không hiểu sao đã thấy con đứng đó chờ sẵn, gọi "mẹ ơi!". Bà nội cứ nghĩ cháu vẫn chơi trong nhà, hốt hoảng chạy ra bế. Đi được một đoạn, tôi ngoái đầu nhìn lại vẫn thấy bà cháu đứng đó nhìn theo. Cảm giác lúc ấy rất khó tả, chỉ muốn quay về...” - chị Phương nghẹn ngào.

Những lần ấy, quãng đường từ quê xuống Hà Nội của chị Phương như dài hơn, nước mắt chị lăn dài trên đường đi.

This browser does not support the video element.

Những cuộc gọi video ngắn ngủi phần nào giúp vơi đi nỗi nhớ con của chị Phương.

Lo chuyện học hành

Tranh thủ đợt dịch con được nghỉ dài, chị Phương cho 2 con xuống Hà Nội chơi. Không may, dịch bệnh bùng phát buộc cả nhà ở nguyên trong căn phòng trọ chật hẹp mấy tháng trời. Trong đó, đã có 1 tháng chị phải làm việc “3 tại chỗ” tại công ty. Ở phòng trọ, ba bố con quanh quẩn lo cho nhau.

Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, chị Phương mới gửi 2 con về quê. Các bé phải cách ly tại nhà 14 ngày, chị Phương đã liên hệ cho các con học nhờ online. Một ngày có vài lần, chị gọi điện về hỏi con dậy chưa, kèm con học hành.

“Bố mua 1 cái sim khác và cho con điện thoại cũ để học online. Cũng may một bé học buổi sáng, một bé học buổi chiều. Từ sáng đến giờ đã 2-3 lần gọi về hỏi han” - chị Phương nói.

Con cái đã lớn, Mai Hương vốn tự lập, tự lo cho bản thân còn biết bảo ban, kèm em học hành. Bà nội ở quê còn trồng lúa, hoa màu. Bình thường, chị gái đèo em đi học ở cùng một trường cách nhà 1km.

Công ty chị Phương làm việc nghiêm ngặt, không được sử dụng điện thoại. Chị phải tranh thủ giờ nghỉ ngơi, giờ ăn gọi điện hỏi han, nắm bắt tình hình học hành của con. Lúc con còn bế ẵm, học bò rồi tập đi chị có sự nhớ nhung riêng. Giờ con lớn, chị lại lo chuyện học hành, giáo dục con - từ xa...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn