MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động Công ty Haprosimex tới BHXH huyện Gia Lâm (Hà Nội) để làm thủ tục chốt sổ BHXH. Ảnh: Hà Anh

Còn 84 người lao động tại Công ty Haprosimex chưa được chốt sổ BHXH

Hà Anh LDO | 15/04/2023 09:16
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, sau khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex trả hơn 10 tỉ đồng tiền nợ BHXH (còn nợ hơn 4 tỉ đồng), hiện cơ quan BHXH đã tách đóng, chốt sổ cho hơn 400 người lao động (NLĐ). Như vậy chỉ còn 84 NLĐ chưa được chốt sổ BHXH.

40 nữ công nhân được nhận chế độ thai sản

Về việc chi trả chế độ thai sản, ốm đau cho NLĐ, BHXH huyện Gia Lâm cho biết, đã có nguồn chi đối với 186 người; qua đó đã kiểm tra, thực hiện 3 đợt chuyển tiền ốm đau, thai sản cho 40 trường hợp NLĐ đủ điều kiện hưởng.

Những trường hợp còn lại, cơ quan BHXH đang đợi ý kiến thống nhất giữa NLĐ và công ty về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc tạm ứng chế độ thai sản trước đây.

Liên quan đến việc vướng mắc chế độ thai sản, chị Nguyễn Thị Thảo - công nhân Nhà máy Dệt, Công ty Haprosimex cho biết, trước đây, chị đã được công ty tạm ứng 1 triệu đồng tiền thai sản của đứa con thứ 3, hiện vẫn còn 14,5 triệu đồng chưa được lĩnh.

Tuy nhiên, do còn bị Công ty nợ lương nên chị yêu cầu phía BHXH huyện Gia Lâm và công ty phối hợp thực hiện một trong hai phương án: Một là trả đủ 15,5 triệu đồng, trong đó 1 triệu được trừ vào tổng tiền lương bị nợ; hai là, BHXH huyện Gia Lâm sẽ giữ lại số tiền 1 triệu đồng đó để chuyển sang khoản trả nợ BHXH của Công ty Haprosimex, tạo điều kiện chốt sổ cho các lao động khác.

“Sau khi NLĐ họp với BHXH huyện Gia Lâm và Công an huyện Gia Lâm, chúng tôi cùng thống nhất phương án 2. Như vậy BHXH huyện Gia Lâm sẽ giữ số tiền công ty ứng cho tôi và các chị em trước đó, để chi chốt sổ BHXH cho những đồng nghiệp còn lại chưa được tách đóng BHXH” - chị Thảo cho hay.

Người lao động đề nghị công ty chấm dứt hợp đồng lao động

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng (SN 1988) - công nhân Phân xưởng may, Nhà máy Dệt kim Haprosimex, thuộc Công ty Haprosimex, Khu công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) và nhiều NLĐ đang đề nghị công ty chấm dứt hợp đồng lao động.

“Tôi làm việc tại phân xưởng may của công ty từ thời điểm 23.4.2008, đến tháng 3.2018 thì công ty cho nghỉ chờ việc đến nay không được hưởng lương.

Ngoài ra, công ty còn nợ BHXH, nợ lương của NLĐ. Tại buổi đối thoại giữa Ban lãnh đạo Công ty và NLĐ để thống nhất về việc chi trả lương và thanh toán quyền lợi NLĐ vào hồi 15h ngày 9.3.2023 tại Văn phòng công ty (số 22 Hàng Lược, Hoàn Kiếm, Hà Nội), chúng tôi mới được ông Trần Trọng Phúc (thành viên Hội đồng quản trị Công ty Haprosimex - PV) thông báo không nằm trong danh sách NLĐ được bàn giao từ chủ cũ nên ban lãnh đạo công ty mới không chịu trách nhiệm.

Việc ông Phúc trả lời khiến chúng tôi rất hoang mang, lo lắng, bởi hiện nay NLĐ vẫn chưa nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng, do đó không thể xin việc được tại đơn vị mới” - chị Phượng cho hay.

Để đòi quyền lợi của mình, NLĐ đã làm đơn khiến nại gửi bà Nguyễn Thị Hoà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Haprosimex.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc Phân xưởng may, Nhà máy dệt kim Haprosimex thuộc Công ty Haprosimex, đại diện NLĐ - cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động, trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. 

Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

Trong trường hợp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động trước đó phải lập phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động. Trong trường hợp người sử dụng lao động cho NLĐ thôi việc theo quy định thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động.

“Căn cứ quy định của pháp luật, việc ông Phúc thông báo cho NLĐ tại cuộc đối thoại là chưa đúng. Đến thời điểm này, công ty vẫn không đưa ra bất kỳ thông báo hoặc lý do nào cho sự chậm trễ này. Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của gia đình NLĐ chúng tôi.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, chúng tôi đề nghị bà Nguyễn Thị Hoà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Haprosimex xem xét sớm thanh toán nợ lương và trợ cấp mất việc làm, đồng thời có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động cho chúng tôi” - chị Phượng nêu ý kiến. 

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Hải Đông - Trưởng ban Mua bán nợ 1, Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC), thời điểm năm 2017 là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex - cho biết: Công ty DATC đã bàn giao tất cả hồ sơ liên quan đến NLĐ cho hội đồng quản trị mới của Công ty Haprosimex, do đó Công ty DATC hiện không có liên quan gì đến việc chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn